“Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các hợp tác xã nông nghiệp trong việc kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đề án hướng tới mục tiêu hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Trong đó, vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Hòa Bình và Sơn La) đạt 14.000 ha; Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng duyên hải miền Trung (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) 22.900 ha; Vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum) 19.700 ha; Vùng nguyên liệu lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (An Giang và Kiên Giang) 50.000 ha; Vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) 60.200 ha.
Cùng với đó, sẽ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; giảm chi phí sản xuất 5 - 10%; tăng giá trị từ 10 - 20%; tăng thu nhập 5 - 10% cho nông dân.
Ngoài ra, Đề án còn hướng tới một số mục tiêu khác như: Tăng cường năng lực cho khoảng 300 hợp tác xã; Hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng; Phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số quản trị vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta dùng vốn ngân sách đầu tư trung hạn để đầu tư cho các hạ tầng sản xuất kinh doanh của vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn. Khái niệm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn thì chuẩn ở đây là chuẩn về chất lượng nông sản, chuẩn về môi trường và những tiêu chuẩn phù hợp với kinh doanh quốc tế… Trong đó, những tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường rất quan trọng”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, trên thực tế, thời gian qua, các vùng nguyên liệu ngày càng hình thành rõ nét và phát triển về diện tích và chất lượng. Các công trình hạ tầng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bắt đầu chuyển sang công tác thi công xây dựng các công trình.
Tại các vùng nguyên liệu, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã được thành lập mới và củng cố lại. Giám đốc, cán bộ các hợp tác xã được tham gia đào tạo tập huấn nâng cao năng lực. Nhiều hợp tác xã được cán bộ trẻ tăng cường về làm việc, hình thành và thành lập được các tổ khuyến nông cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã, nông dân. Đáng chú ý, các công ty công nghệ tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ khoa học phần mềm kế toán hợp tác xã, phần mềm nhật ký sản xuất, tham gia sàn giao dịch điện tử sản phẩm OCOP, xây dựng cổng dữ liệu chung cho vùng nguyên liệu đề án...
Theo ông Thịnh, về bản chất, xây dựng vùng nguyên liệu đồng nghĩa với tổ chức lại sản xuất theo một số cấp độ: Tổ chức lại nông dân trong các hợp tác xã, các tổ chức; Phát triển chuỗi giá trị của vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị của sản phẩm ở vùng nguyên liệu; Nhà nước tổ chức các dịch vụ công như cung cấp mã số vùng trồng, cải thiện hạ tầng nhỏ cho sản xuất kinh doanh thích ứng với sản phẩm chủ lực, đào tạo nông dân, xác nhận, chứng nhận chất lượng, hay chuyển đổi số…
“Vì tổ chức lại sản xuất cho nên hợp tác xã đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hợp tác xã phát triển mạng lưới cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng và thúc đẩy liên kết. Hợp tác xã phải thành mắt xích quan trọng trong liên kết. Nếu như không có hợp tác xã thì không thể truy xuất nguồn gốc, không thể cung cấp các mã số vùng trồng theo chuỗi giá trị. Không có hợp tác xã, doanh nghiệp không thể làm việc với hàng nghìn hàng vạn hộ nông dân được. Không có hợp tác xã thì không thể hình thành vùng nguyên liệu được”, ông Thịnh nhấn mạnh.