Bước vào sâu trong con ngõ 44 Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều người bị choáng ngợp bởi căn biệt thự rộng hơn 800m2 với kiến trúc Pháp cổ hoành tráng. Đằng sau đó còn có những câu chuyện xúc động, ít người biết về những người sống trong căn biệt thự này.
Người giúp việc đặc biệt
Gặp bà Lê Thanh Thủy (SN 1955) ở căn biệt thự 800m2 ngõ 44 Hàng Bè - gần trưa, chúng tôi thấy bà đang chuẩn bị nấu nướng. Nơi nấu ăn là khu sinh hoạt chung của nhiều gia đình, đều là anh em họ hàng thân thiết của bà Thủy. Mỗi nhà có một bếp riêng nhưng chỗ rửa rau, rửa bát đũa, chuẩn bị đồ ăn vẫn là phần sử dụng chung.
Gác lại công việc, bà Thủy mời chúng tôi lên căn phòng trên tầng 2, nơi gia đình bà sinh sống và chia sẻ về những kỉ niệm với căn biệt thự gần 100 tuổi.
Nhắc đến những người trong gia đình, mắt bà lại ngân ngấn lệ.
Căn biệt thự được xây dựng vào năm 1926. Chủ nhân đầu tiên là cụ Trương Trọng Vọng và cụ Nguyễn Thị Sửu, thương gia giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20, cũng là ông bà ngoại của bà Thủy. Bà Thủy được mẹ kể lại, thời ấy, gia đình có hơn chục người giúp việc. Trong nhà có phòng dành riêng cho họ ở.
“Lúc đó, gia đình tôi có hơn 10 người giúp việc: Người lo trông trẻ, người nấu cơm, người dọn nhà… Tôi biết 3 người và người nào cũng tốt bụng, hết lòng. Bố mẹ rất coi trọng những người giúp việc, thương họ như người nhà của mình. Tôi cũng học được cách đối nhân xử thế của các cụ nên luôn coi giúp việc như người thân”, bà Thủy chia sẻ.
Trong kí ức của mình, bà Thủy nhớ đến người giúp việc chăm sóc bà từ lúc 3 tuổi tên N.T.Đ, quê ở Nam Định. Bà thường gọi bà Đ. là “bác” xưng “em”. Đối với bà, người thân bên cạnh không chỉ có những người ruột thịt mà còn có những người ngày ngày chăm sóc gia đình bà, lo toan mọi việc trong nhà.
Bà kể: “Gia đình tôi luôn sống chan hòa, coi người giúp việc như người nhà. Ngày bé, chị em chúng tôi ra ngoài chơi, bác Đ. đứng ở cổng lo lắng, chờ đến tận khi chúng tôi về. Thậm chí khi chúng tôi bị mẹ mắng, bác giúp việc còn đứng ra bảo vệ, bênh vực. Bác Đ. coi chúng tôi là ruột thịt, máu mủ của bác. Bác dành tình cảm của một người thân để đối đãi với chúng tôi.
Vì vậy, bác được mẹ tôi rất tin tưởng. Mọi việc trong nhà mẹ tôi đều giao cho bác Đ. lo liệu. Mẹ tôi chỉ việc đưa tiền, còn việc sắm đồ, sắp xếp, phân chia các ngày ăn, mua những thứ gì, bác lo hết. Bác làm thế nào, mẹ tôi không hề phàn nàn một câu. Bác ấy giống như quản gia, sắp xếp chu toàn mọi việc trong nhà”.
Cũng vì có người làm mọi việc nên đến gần 30 tuổi, bà Thủy vẫn chưa phải vào bếp nấu nướng, cũng không bao giờ phải dọn dẹp.
Ấy vậy mà khi bà lập gia đình, đôi bàn tay chưa từng nấu nướng lại thoăn thoắt bếp núc, dọn dẹp, chăm sóc chồng con chu đáo. Chính bà cũng phải ngạc nhiên về khả năng của mình. Bà tin rằng những kỹ năng ấy được thừa hưởng từ người mẹ quá cố.
“Bố mẹ tôi rất quý trọng những người giúp việc. Mỗi dịp họ về quê, ông bà đều cho tiền. Đồ ăn thức uống trong nhà, bố tôi toàn mua đồ ngon, không cho họ ăn đồ thừa, đồ xấu”, bà Thủy chia sẻ.
Sau này, khi bà Thủy có con cái, bà Đ. vẫn gắn bó với gia đình bà, không rời đi. Bao năm tháng gắn bó cũng khiến bà Đ. thấy quen với căn biệt thự, coi đó chính là ngôi nhà của mình, nhớ nhung khi đi đâu đó vài ngày.
"Tôi nhớ, có lần bác Đ. xin về quê mấy ngày ở Nam Định. Gia đình tôi nói bác cứ ở đó chơi lâu lâu. Nhưng được vài hôm, bác lại lên ngay. Bác kêu nhớ mẹ tôi, nhớ căn biệt thự. Bác ở với chúng tôi từ sớm nên có tình cảm đặc biệt với con người và mái nhà này. Bác còn bảo sẽ sống ở đây đến hết đời, gắn bó với chúng tôi giúp chúng tôi đến khi nào không làm được nữa thì thôi", bà Thủy tâm sự.
Đến năm 76 tuổi, bà Đ. mất. Gia đình bà Thủy không chỉ giúp lo hậu sự mà còn thờ phụng bà Đ. trong nhà như người thân của mình. Bà Thủy tâm niệm, đã ở với gia đình bà thì là người nhà. Thờ phụng họ cũng chính là việc mà bà nên và cần phải làm.
Lớp học đặc biệt
Không chỉ có ông bà, bố mẹ, bác giúp việc thân thiết hằn sâu trong kí ức của bà Thủy nhiều năm qua. Nói về kỉ niệm thời thơ bé, bà Thủy còn không quên nhắc đến ngôi trường nằm trong chính căn nhà của mình.
Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, mẹ của bà Thủy là cụ Trương Thị Mô (đã mất) hiến một phần căn biệt thự cho Nhà nước để làm lớp học. Đến tận những năm 2000, lớp học trong căn biệt thự 800m2 vẫn được duy trì. Biết bao thế hệ học sinh có tuổi học trò tươi đẹp ở mái trường này.
Điều đặc biệt, bà Thủy cũng là một trong những học sinh học tại “trường nhà” thời cấp 1.
"Năm lớp 2, tôi bắt đầu chuyển về đây học. Được học trong chính ngôi nhà của mình là điều thực sự đặc biệt với tôi. Mỗi buổi trưa, tôi thường tranh thủ giờ nghỉ để về nhà ăn cơm. Giờ giải lao, tôi lại chạy lên nhà mình uống nước", bà Thủy nhớ lại.
Trong mắt bạn bè thời đó, bà là tiểu thư đài các bởi được sống trong căn biệt thự rộng lớn, có người giúp việc chăm lo mọi thứ.
Sau này, cậu con trai sinh năm 1991 của bà cũng học tại trường nhà. Và ngôi trường cũng là cầu nối cho chuyện tình yêu đẹp của con trai bà Thủy và người vợ hiện tại.
"Vợ chồng con trai tôi quen nhau từ lớp học này. Lớn lên, chúng tìm hiểu rồi yêu nhau, cưới nhau. Bộ ảnh cưới của các con cũng chụp ở nhà tôi, ở chính ngôi trường kỉ niệm", bà Thủy chia sẻ.
Giờ đây, khi các lớp học đã đóng cửa vì có nhiều cơ sở mới khang trang hơn, bà Thủy vẫn không quên được hình ảnh các em học sinh nô đùa trên sân trường ngày ấy.
Bà kể, có nhiều người vẫn đến đây chụp ảnh. Ban đầu, bà nghĩ là khách tham quan nhưng khi hỏi ra mới biết đó là những thế hệ học sinh trước. Vì nhớ trường, nhớ lớp, họ muốn đến thăm lại trường và thăm luôn chủ nhà.
"Gặp lại những người cũ, tôi mừng mừng tủi tủi. Bao kỉ niệm thời thơ ấu bỗng chốc lại ùa về trong tâm trí", bà Thủy xúc động.
Đối với bà, ngôi biệt thự cổ không chỉ là nhà, còn là một bầu trời kí ức, kỉ niệm. Đó là nơi lưu giữ mãi mãi những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Bà chỉ hi vọng, các đời con cháu sau này sẽ tiếp tục giữ gìn, nâng niu căn biệt thự cổ của cha ông để lại.