Đầu năm 2024: thế giới đi ngang, trong nước tăng vọt

Giá vàng trên thị trường quốc tế có xu hướng đi ngang ngay đầu năm mới 2024 trong bối cảnh đồng USD quay đầu tăng khoảng 0,8% sau khi sụt giảm khoảng 5,6% trong 2 tháng cuối năm 2023.

Trong 2 phiên đầu năm 2-3/1, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế dao động xung quanh ngưỡng 2.055-2.070 USD/ounce, tương đương khoảng 61,5-61,8 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.

USD tăng nhẹ trở lại trong khi bất ổn địa chính trị gia tăng và sức cầu từ châu Á cao. Điều này đang giữ giá vàng thế giới không biến động nhiều.

Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, giá vàng biến động dữ dội trong 2 phiên đầu năm mới.

Trong phiên 2/1, giá vàng miếng SJC có lúc tăng thêm 4 triệu đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên cuối cùng trong năm 2023 lên trên 77 triệu đồng/lượng, trước khi điều chỉnh về mức 75 triệu đồng/lượng vào cuối ngày.

Trong phiên ngày 3/1, giá vàng miếng SJC cuối giờ sáng lại bật lên mức 75,5 triệu đồng/lượng và đắt hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 14 triệu đồng cho mỗi lượng.

Trước đó, hôm 26/12, mức chênh đạt kỷ lục khoảng 18 triệu đồng/lượng.

giavangthegioikitco1.gif
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây. (Ảnh: Kitco)

Chênh lệch giá mua-bán tại các cửa hàng vàng sáng 3/1 được duy trì ở mức 3 triệu đồng/lượng.

Cuối năm 2023, chênh giá mua bán có lúc lên tới 6 triệu đồng/lượng và cũng là mức chênh chưa từng có trong lịch sử.

Theo báo cáo của Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng sáng 3/1 tăng thêm khoảng 500.000 đồng/lượng do lượng khách hàng mua vào nhiều hơn, tỷ lệ khoảng 55% người mua và 45% người bán tại các cơ sở kinh doanh của đơn vị này.

Giá vàng thế giới dù đi ngang nhưng được dự báo có thể tăng giá bất cứ lúc nào do có sẵn nhiều yếu tố có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt hàng kim loại quý này.

Trong năm 2023, giá vàng thế giới đã tăng khá ấn tượng với mức 13%.

Trong năm 2024, có nhiều yếu tố có thể đẩy giá vàng thế giới lên cao, thậm chí đạt mức kỷ lục chưa từng có. Trong năm nay, nhiều ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, quay đầu giảm lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không lãi suất.

Theo các tín hiệu thị trường từ công cụ CME FedWatch, các thị trường hiện đang đánh cược 86% khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Nếu đúng như vậy, cắt giảm lãi suất diễn ra sớm hơn so với tín hiệu từ Fed. Trước đó, Fed phát đi tín hiệu có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, có thể bắt đầu từ giữa năm.

Trong tuần này, tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư là biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 4/1.

vanghanghoa kitco.gif
Vàng tăng, các loại hàng hóa khác giảm: Tín hiệu suy thoái kinh tế.

Vàng được dự báo cao chưa từng có trong năm 2024

Ngay đầu năm mới, Mike McGlonem, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Bloomberg Intelligence, cho rằng, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu đi, giá vàng có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024 và thậm chí có khả năng đạt 3.000 USD (tương đương 89,5 triệu đồng/lượng).

Khi đó, nếu thêm khoản chênh khoảng 15 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC trong nước sẽ đạt gần 105 triệu đồng/lượng.

McGlone lưu ý rằng sự xuất hiện của vàng ở đầu danh sách hiệu suất vĩ mô hàng năm của Bloomberg Intelligence trong khi chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg ở dưới cùng cho thấy thị trường đang trên đường hướng tới suy thoái kinh tế toàn cầu.

McGlone cho biết, tín hiệu suy thoái toàn cầu khác là năng lượng nằm ở cuối bảng điểm hiệu suất hàng năm trong lĩnh vực hàng hóa và kim loại quý ở trên cùng. 

Để chứng minh cho khả năng vàng đạt được mức giá 3.000 USD/ounce trong năm 2024, McGlone chỉ ra hiệu suất của mặt hàng này so với chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ trong ba thập kỷ rưỡi qua.

Theo đó, biểu đồ trong 35 năm qua cho thấy, chỉ số S&P 500 và vàng có tiềm năng hội tụ ở mức 3.000. Và vàng chỉ chịu áp lực ngược trong năm 2024 nếu lãi suất của các nước (trong đó có Mỹ) và giá cổ phiếu vẫn tăng. 

vangchungkhoanmy kitco.gif
Mối quan hệ giữa giá vàng và chỉ số chứng khoán S&P 500 trong hơn 3 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đây là điều khó xảy ra. Fed đã phát tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ sau 11 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Trong khi đó, nhiều chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở đỉnh lịch sử, nhiều khả năng sẽ chịu áp lực giảm.

Song, một yếu tố có thể cản trở đà đi lên của vàng là việc ngân hàng trung ương các nước hạn chế mua vàng sau khi đã mua mạnh trong thời gian qua và đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục.

Nhưng có một thực tế là hầu hết các ngân hàng trung ương đã thắt chặt tiền tệ tới quý III/2023. Điều đó có nghĩa là ảnh hưởng của các hoạt động này sẽ kéo dài tới quý III/2024. Các nền kinh tế sẽ có tín hiệu khó khăn có thể cho tới tháng 9/2024, qua đó khiến áp lực nới lỏng sẽ mạnh mẽ và tác động tích cực lên mặt hàng kim loại quý.

Trong khoảng thời gian các nền kinh tế gặp khó khăn, nợ thường tăng so với GDP và vàng thường hưởng lợi ở những khoảng thời gian như vậy.

Theo McGlone, trong năm 2023 vàng tăng giá mạnh hơn so với hầu hết các mặt hàng. Đây là dấu hiệu không tốt đối với các nền kinh tế.

Một dấu hiệu khác cho thấy vàng sẽ diễn biến tích cực trong 2024 là dòng vốn chảy ra từ các quỹ hoán đổi danh mục ETF vàng trong quý IV/2023 đã giảm so với các năm trước.

Lịch sử cho thấy, các quỹ ETF vàng thường chứng kiến dòng tiền chảy ra trong quý IV, nhưng năm 2023 có xu hướng ngược lại. Đó là nhờ hoạt động mua của ngân hàng trung ương nhiều nước.

Gần đây, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đưa ra dự báo cho rằng, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới và xu hướng mua vào của các ngân hàng trung ương là 2 trong nhiều động lực khiến nhu cầu vàng tiếp tục tăng trong năm 2024. 

Các chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo giá vàng sẽ lên 2.200 USD/ounce trong năm 2024. Còn quỹ WisdomTree dự báo mặt hàng kim loại quý sẽ chinh phục mốc 2.300 USD/ounce.