Một tuần giằng co, dòng tiền tỷ USD vẫn đổ vào chứng khoán
Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần 11-15/3 giằng co với nhiều thông tin trái chiều. Dù vậy, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào các cổ phiếu. Tính chung cả tuần, thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn đạt 30.135 tỷ đồng/phiên, tăng 15,7% so với tuần trước.
Trong phiên đầu tuần 11/3, thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào bán tín phiếu để điều tiết tỷ giá USD/VND sau 4 tháng tạm ngưng đã kích hoạt tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư, khiến thị trường giảm gần 12 điểm.
Trong quá khứ, mỗi lần NHNN đấu thầu tín phiếu và hút bớt tiền ra thường ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư chứng khoán. Dù vậy, với những đợt hút ít, quy mô dưới 100.000 tỷ đồng, tác động xấu tới TTCK là không nhiều.
Trong 5 phiên gần đây, từ 11-15/3, NHNN đã hút tổng cộng gần 75.000 tỷ đồng thông qua đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất quanh 1,4%/năm. Chưa rõ trong tuần mới, NHNN sẽ hút bao nhiêu và tổng quy mô của đợt hút tiền này lên đến mức nào.
Trên thực tế, bơm hút tiền là hoạt động điều hành bình thường của NHNN.
Hoạt động hút tiền lần này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng cao trong 2 tuần qua và diễn ra ngay từ đầu năm - thời gian Việt Nam thường dồi dào về đồng USD. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do hôm 11/3 lập đỉnh cao lịch sử 25.700 đồng/USD. Còn tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng lập đỉnh hôm 15/3 với mức 24.910 đồng/USD.
Nỗi lo tỷ giá lên cao, giá vàng miếng SJC tăng vọt lập đỉnh lịch sử và việc NHNN hút bớt tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng... được thể hiện rất rõ trên các diễn dàn cũng như hoạt động bán mạnh cổ phiếu của các nhà đầu tư trong phiên đầu tuần.
Dù vậy, sức cầu cổ phiếu ở vào thời điểm này cũng rất lớn.
Đại diện một công ty chứng khoán cho biết, dòng tiền vẫn đang chực chờ đổ vào TTCK trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp, chỉ khoảng 1,7%-4,7%/năm và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào. Lãi suất qua đêm vẫn chỉ ở mức trên dưới 1%/năm.
Dòng tiền dồi dào và sức cầu bắt đáy đã át thông tin NHNN hút tiền, qua đó kéo giá cổ phiếu đi lên. Lực cầu tại phiên 12/3 đã giúp VN-Index hồi phục hơn 9 điểm.
Đà tăng ở nhóm ngân hàng đã hỗ trợ thị trường vào phiên 13/3, giúp VN-Index đóng cửa tăng hơn 22 điểm trước thông tin Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau hội nghị của Chính phủ với nhiều tập đoàn lớn (phần lớn là bất động sản), tâm lý giằng co xuất hiện, khiến thị trường điều chỉnh giảm 6 điểm trong phiên 14/3 và giảm thêm 1 điểm trong phiên cuối tuần.
Tính chung trong tuần, chỉ số VN-Index tăng 1,3% lên 1.263,78 điểm, HNX-Index tăng 1,4% lên 239,54 điểm và Upcom-Index tăng 0,2% lên 91,35 điểm.
Trong tuần, các cổ phiếu có tác động tích cực lên thị trường gồm nhóm dầu khí, cao su, công nghệ như GAS (+3,5%), GVR (+19,3%), FPT (+5,5%)... Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu trụ cột giảm giá như Vietcombank (-1,2%), VPBank (-1,8%), Sabeco (-3,3%)...
Khối ngoại tiếp tục đà bán ròng, với 2.600 tỷ đồng trên HOSE (so với 981 tỷ đồng trong tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 2.850 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tuần mới: Sức nóng đến từ Fed
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, cho rằng, TTCK hướng tới tuần giao dịch quan trọng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp về chính sách tiền tệ vào ngày 19-20/3 tới. Chỉ số VN-Index có thể “test” lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm.
Theo ông Hinh, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tới là gần như chắc chắn, song "sức nóng" của sự kiện này sẽ "bớt nhiệt" do sự quan tâm sẽ đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell.
Thị trường đang kỳ vọng những hé lộ mới về hướng đi tiếp theo của Fed, cụ thể là thời điểm dự kiến cắt giảm lãi suất điều hành và mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay.
Nếu kịch bản của Fed đưa ra không quá “diều hâu” so với kỳ vọng trước đó của thị trường (bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 và có ít nhất 3 đợt cắt giảm trong năm 2024) thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực của các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Trong nước, tuần qua, TTCK phản ứng không quá tiêu cực về động thái phát hành tín phiếu của NHNN. Điều này nhờ thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo chuyên gia VNDirect, đó là triển vọng phục hồi kinh tế rõ rệt hơn và một bức tranh kết quả kinh doanh quý I dự kiến tích cực. Đây là bệ đỡ cho TTCK, trái ngược hoàn toàn với bức tranh quý III/2023.
Bên cạnh đó, dòng tiền trong nước đổ vào TTCK đang khá quyết liệt.
Về chính sách tiền tệ, Dragon Capital cho rằng, Việt Nam vẫn theo xu hướng nới lỏng sau khi NHNN hút tiền trở lại qua kênh tín phiếu. Theo đó, Fed được dự báo đang tiến rất gần đến quyết định cắt giảm lãi suất trong nửa sau năm nay và điều này có thể làm giảm áp lực đối với tỷ giá, qua đó giúp Việt Nam có dư địa để tiếp tục duy trình chính sách tiền tệ nới lỏng.
Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT, việc phát hành tín phiếu của NHNN được kỳ vọng không gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong quý II, khi bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể.
Nhìn chung, xu hướng tăng từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm trong tuần 18-22/3.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phiếu, ưu tiên phân bổ vào những nhóm cổ phiếu đang có yếu tố cơ bản hỗ trợ như nhóm cổ phiếu chứng khoán, tiêu dùng, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp.