Sau chỉ 2 phiên quay đầu giảm, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn ở thị trường trong nước lại tăng mạnh. Tới chiều phiên cuối tuần 15/3, giá vàng SJC lên sát ngưỡng 82 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), chỉ còn thấp hơn khoảng 600.000 đồng so với đỉnh cao ghi nhận hôm 12/3.
Giá vàng nhẫn cũng lên ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC tăng giá mạnh trở lại và kéo mức chênh với giá vàng thế giới quy đổi lên mức 16,1 triệu đồng/lượng, theo tỷ giá ngân hàng. Chênh lệch giá mua và bán được kéo rộng ra, ở mức 2-2,5 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC trong nước vẫn nhích lên trong bối cảnh tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng lập kỷ lục. Giá vàng thế giới chịu áp lực trước USD mạnh và có xu hướng đi ngang.
Có thể thấy, trong tuần 11-15/3, vàng thế giới chịu áp lực khá lớn không chỉ từ hoạt động chốt lời sau khi mặt hàng này đã tăng nhiều kể từ cuối năm 2023 mà còn từ việc USD bất ngờ tăng trở lại.
Tuy nhiên, trong tuần, mặt hàng kim loại quý được ghi nhận chỉ giảm nhẹ khoảng 20 USD/ounce trên thị trường quốc tế ở phiên 13/3, từ mức 2.175 USD/ounce xuống 2.155 USD/ounce sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI cao hơn so với kỳ vọng của thị trường (tháng 2 tăng 0,4% so với tháng 1 đầu năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái).
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng trở lại và tới cuối giờ chiều 15/3 (giờ Việt Nam) lên mức 2.170 USD/ounce.
Chốt tuần 11-16/3, giá vàng trở về ngưỡng 2.155 USD/ounce.
Như vậy, vàng quốc tế vẫn giữ được mức giá cao bất chấp đồng USD hồi phục trong bối cảnh giới đầu tư cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hoãn việc cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm. Fed sẽ không giảm lãi suất trong cuộc họp vào 21/3 và trong tháng 5 tới.
Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt - tăng từ mức dưới 103 điểm lên gần 103,5 điểm.
Vàng thế giới vẫn xu hướng đi lên, đồng USD khó mạnh kéo dài
Kể từ đầu năm tới nay, giới đầu tư trên thế giới chứng kiến một hiện tượng khá lạ. Đó là sự leo thang cùng lúc của nhiều loại tài sản, từ vàng cho tới chứng khoán, Bitcoin, giá dầu và cả đồng USD.
Trong tuần 11-15/3, lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng giao ngay vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce. Chứng khoán Mỹ gần đây cũng liên tục lập kỷ lục cao. Trong khi đó, Bitcoin phá vỡ đỉnh 69.000 USD/BTC ghi nhận hồi năm 2021 để lên một tầm cao mới trên 73.500 USD/ounce (vào ngày 14/3).
Thông thường, nếu đồng USD leo thang hoặc đứng ở mức cao, đa số các loại tài sản khác sẽ giảm giá.
Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn liên tục lập đỉnh cao lịch sử. Vàng miếng SJC có lúc lên tới 82,8 triệu đồng/lượng (vào ngày 12/3). Giá vàng nhẫn cũng có lúc vượt ngưỡng 71 triệu đồng/lượng. Chứng khoán tăng khá mạnh kể từ đầu năm.
Tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng hôm 15/3 đạt mức lịch sử, với giá bán tại Vietcombank lên 24.910 đồng/USD.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều người lo lắng giá vàng thế giới sẽ giảm mạnh từ đỉnh lịch sử. Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn ở thị trường trong nước sẽ tụt giảm nhanh do có giá cao hơn vàng thế giới quy đổi tương ứng khoảng 16 triệu đồng và 4-5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới được dự báo khó giảm, thậm chí còn tăng trong thời gian tới khi Mỹ giảm lãi suất điều hành. Dự kiến Fed sẽ bắt đầu chuỗi giảm lãi suất từ tháng 6 tới. Đồng USD sẽ chịu áp lực giảm và vàng sẽ có động lực tăng.
Chuyên gia Michele Schneider đến từ MarketGauge chia sẻ trên Kitcho rằng, vàng còn có nhiều dư địa tăng giá vì mặt hàng này vẫn giữ được mức hỗ trợ trên 2.150 USD/ounce. Đây là mức kháng cự trong đợt tăng giá mạnh nhất vào tháng 12/2023.
Các chuyên gia của Commerzbank cho rằng, trong cuộc họp vào tuần mới (ngày 21/3), nếu Fed để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất, giá vàng thế giới có thể sẽ chinh phục mức cao kỷ lục mới.
Trên thực tế, sau khi vàng tăng giá mạnh vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, các quỹ ETF kinh doanh vàng đã giảm mạnh lượng nắm giữ mặt hàng này. Nhưng bù lại, ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn đẩy mạnh mua vàng. Trong năm 2022 và năm 2023 các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn mỗi năm, so với mức khoảng 300-600 tấn/năm trước đó.
Xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều nơi còn khó khăn và bất ổn địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó là xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng USD của các nước.
Đồng USD cũng được dự báo sẽ suy giảm theo đà nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ. Dù vậy, đồng tiền này có khả năng không giảm nhanh trong ngắn và trung hạn do Mỹ còn trì hoãn hạ lãi suất cũng như nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững vàng.
Ở chiều ngược lại, trong nước giá vàng chịu rủi ro giảm mạnh do đang cao hơn giá thế giới quy đổi quá nhiều nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng nguồn cung (cho nhập khẩu) hoặc có các biện pháp khác ổn định thị trường.
Tuy nhiên, việc ổn định thị trường vàng cần thời gian. Hơn thế, gần đây, NHNN đang đẩy mạnh ổn định tỷ giá khi đồng USD tăng nhanh.
Trong 5 phiên từ 11-15/3, NHNN đã hút tổng cộng gần 75.000 tỷ đồng thông qua đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất quanh 1,4%/năm.
Hoạt động hút tiền hứa hẹn sẽ nâng đỡ cho đồng VND, qua đó kéo tỷ giá USD/VND đi xuống. Trong vài phiên gần đây, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã hạ nhiệt, từ đỉnh cao 25.700 đồng/USD ghi nhận hôm 11/3 đã xuống ngưỡng 24.550 đồng/USD. Dù vậy, tỷ giá trên hệ thống ngân hàng lại lập kỷ lục 24.910 đồng/USD.
Theo một số chuyên gia, việc giá vàng cũng như nhiều loại tài sản trong đó có tiền ảo như Bitcoin, đã phần nào ảnh hưởng tới tỷ giá. Dù vậy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khá cao và thông thường vào đầu năm là thời điểm khá dồi dào đồng USD.