Theo Kitco, Krishan Gopaul - nhà phân tích thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Á tại Hội đồng vàng thế giới - cho hay, Croatia mua gần 2 tấn vàng trong tháng 12. Đây là lần mua vàng đầu tiên của Ngân hàng trung ương nước này từ năm 2001.
Số vàng Croatia mua trị giá hơn 101 triệu USD. Ngân hàng trung ương Croatia mua vàng trên thị trường mở, với giá hơn 1.800 USD/ounce.
Hãng thông tấn HRT của Croatia đưa tin, động thái mua vàng có liên quan đến việc quốc gia này gia nhập khu vực đồng Euro. Croatia phải chuyển một phần dự trữ ngoại hối sang Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Thống đốc Ngân hàng trung ương Croatia (CNB) Boris Vujcic cho biết, Croatia chuyển 639,9 triệu Euro cho ECB vào đầu tháng 1.
Dự trữ vàng của Croatia là chủ đề được quan tâm nhiều năm qua. Croatia có 13,2 tấn vàng sau khi tách khỏi Nam Tư vào đầu những năm 1990.
Một quốc gia khác cũng mua nhiều vàng là Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan, năm 2022, xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ sang Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 4 năm. Trung Quốc nhập khẩu 524 tấn vàng, trị giá khoảng 33 tỷ USD. Đây là mức tăng lớn so với 354 tấn được báo cáo vào năm 2021 và nhiều nhất kể từ năm 2018.
Trung Quốc cũng tăng mua vàng của Nga. Trung Quốc mua 6,6 tấn vàng từ Nga năm ngoái, tăng 67% so với năm 2021.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng cường mua vàng vào cuối năm 2022. Họ đã mua 30 tấn vàng vào tháng 12. Trong tháng 11, con số này là 32 tấn. Dự trữ vàng của Trung Quốc tổng cộng 2.010 tấn.
Xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ sang Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và Thái Lan năm 2022 cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Singapore nhập 69 tấn vàng từ Thụy Sĩ, tăng hơn gấp đôi tổng lượng năm 2021 và mua nhiều nhất kể từ năm 2017. Thái Lan mua 92 tấn, nhiều nhất kể từ năm 2013.
Thụy Sĩ cũng xuất khẩu 188 tấn kim loại quý sang Thổ Nhĩ Kỳ, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2012.
Xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ sang Ấn Độ giảm xuống còn 224 tấn vào năm 2022 từ 507 tấn vào năm 2021.