“Thị trường giảm đáng sợ, vừa giảm 60 điểm trong phiên đầu tuần và vốn hóa bốc hơi 10 tỷ USD, nay lại giảm thêm gần 23 điểm”, ông Nguyễn Tuấn, một nhà đầu tư tại Hà Nội, than thở.
Trên thực tế, sau khi bất ngờ giảm tới 4,7% trong phiên 15/4, thị trường chứng khoán chỉ giảm gần 1 điểm trong phiên tiếp theo và đã có những tín hiệu khá tích cực trong sáng 17/4. Tuy nhiên, áp lực bán lại tăng vọt vào buổi chiều.
Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm 22,67 điểm (tương đương giảm 1,86%) và chính thức mất mốc 1.200 điểm, xuống còn 1.193,01 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm khá mạnh, mất 1,15%. Thanh khoản trên thị trường giảm, đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng, không còn những phiên tỷ USD đều đặn như hồi tháng 3.
Các cổ phiếu trụ cột tiếp tục bị bán ra mạnh. Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt giảm: Vingroup (VIC) giảm 1.400 đồng, xuống 45.000 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 900 đồng, xuống 41.800 đồng/cp.
HPG (Tập đoàn Hòa Phát) của tỷ phú Trần Đình Long cũng giảm 350 đồng, xuống 28.000 đồng/cp so với ngưỡng 30.000 đồng/cp đạt được trước đó. Những triển vọng đầy tươi sáng được ông chủ Hòa Phát đưa ra trong đại hội cổ đông gần đây, trong đó có kế hoạch làm thép cao cấp cho đường sắt chạy 800km/h,... chưa thể đẩy giá cổ phiếu này đi lên.
TPB (TPBank) của nhà đại gia kim tiền Đỗ Minh Phú giảm 600 đồng, xuống 17.000 đồng/cp. HDBank (HDB) của nữ chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 500 đồng, xuống 23.000 đồng/cp; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm 650 đồng, xuống 44.850 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm, ngoại trừ SeABank (SSB). Nhóm bán lẻ cũng giảm giá.
Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong 4 cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 giữ được sắc xanh.
Cổ phiếu Việt đồng loạt giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh tỷ giá liên tục leo thang và lập kỷ lục mới khiến giới đầu tư lo lắng. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới không ngừng đi lên, giá vàng trong nước treo cao.
Trong phiên 17/4, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ nâng tỷ giá trung tâm thêm 90 đồng (tương đương tăng 0,37% chỉ trong một phiên), lên mức 24.231 đồng/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng vọt. Giá USD so với VND tại Vietcombank tăng 4,18% kể từ đầu năm, lên mức 25.440 đồng/USD ghi nhận vào ngày 17/4. Trên thị trường tự do, giá USD bán ra lên tới 25.670 đồng/USD, xấp xỉ mức kỷ lục mọi thời đại 25.700 đồng/USD ghi nhận hôm 11/3.
Giá vàng miếng SJC vẫn trên 84 triệu đồng/lượng dù Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung và ổn định thị trường. Giá vàng thế giới chiều 17/4 tiếp tục leo thang và tăng trở lại gần ngưỡng 2.400 USD/ounce.
Trong trung dài hạn, chứng khoán vẫn tích cực?
“Thị trường giảm có thể do tỷ giá leo thang, trong khi vàng vẫn neo cao. Lãi suất trên thị trường mở và thị trường liên ngân hàng trong khi đó tăng mạnh... khiến nhiều người thận trọng”, ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư, nhìn nhận.
Nhưng theo ông Hưng, tâm lý đám đông của các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể là yếu tố góp phần khiến thị trường giảm sâu thêm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn cho rằng khi thị trường không thể đi lên và bị “phang” xuống, 90% nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường sợ hãi bán theo.
Theo ông, hầu hết nhà đầu tư cá nhân có thể không định giá được giá trị của cổ phiếu mình cầm. Việc mua bán của các nhà đầu tư cá nhân chủ yếu theo phong trào, đội nhóm. Do vậy, khi cổ phiếu đã giảm là giảm rất nhanh.
Bên cạnh đó, hoạt động bán ra còn do nhiều người thận trọng trước những diễn biến khó lường trên quốc tế có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng kéo dài trong thời gian qua.
Giới đầu tư lo ngại Trung Đông sẽ rơi vào một cuộc chiến khốc liệt sau khi quan chức Israel cho biết, Tel Aviv sẽ đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Iran vào Israel hôm 14/4. Hôm 15/4, nội các Israel vẫn quyết tâm đáp trả cuộc tấn công của Iran nhưng chưa xác định thời điểm. Trong khi đó Iran tuyên bố sẽ phản đòn trong “vài giây” nếu Israel trả đũa.
Áp lực bán cổ phiếu là thấy rõ gần đây, cũng có nhiều lý do cho xu hướng này. Tuy nhiên, việc VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm là một bất ngờ với nhiều người.
Mặc dù giảm mạnh nhưng nhiều tổ chức và chuyên gia vẫn tin tưởng vào triển vọng tích cực của Việt Nam, trong bối cảnh thương mại và vốn FDI vẫn khá tốt. Đó là hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX sắp đi vào hoạt động và khả năng chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên mới nổi.