Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ chiều nay (12/6) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, gần đây, giá xăng dầu thế giới có xu hướng hạ nhưng mức giảm khá ít. Trong khi đó, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này tăng nhẹ so với kỳ trước. Vì vậy, trong kỳ điều hành hôm nay, giá xăng trong nước có thể được điều chỉnh tăng nhẹ theo giá xăng nhập.
Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước vào chiều nay có khả năng tăng 90-190 đồng/lít, giá dầu diesel có thể tăng 110 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 1/6), giá xăng được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng.
Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 520 đồng/lít, giá bán là 22.010 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, lên mức giá 20.870 đồng/lít.
Còn giá dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 10 đồng/lít, xuống mức 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 190 đồng/lít, về mức 17.770 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (12/6) có xu hướng sẽ cắt đứt chuỗi giảm của tuần trước sau quyết định mua dầu bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h11' ngày 12/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 73,91 USD/thùng, giảm 0,88 USD, tương đương 1,18% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,34 USD/thùng, giảm 0,83 USD, tương đương 1,18% so với phiên liền trước
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 2 phiên và giảm 3 phiên.
Sự lao dốc của giá dầu chủ yếu là do dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc và dự trữ xăng của Mỹ tăng.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá của hai loại dầu phổ biến nhất thế giới tăng nhẹ sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận gia hạn việc cắt giảm 3,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2024. Dựa theo thỏa thuận nói trên của OPEC+, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - cam kết sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7.
Tuy nhiên, sự tăng tốc của giá dầu đã không duy trì được lâu. Tới phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu bất ngờ quay đầu giảm gần 1% do dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng và dữ liệu sản xuất yếu của Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường.
Đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu tăng khoảng 1% sau thông tin Saudi Arabia có kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm bổ sung của Saudi Arabia có khả năng làm thâm hụt nguồn cung dầu mỏ trong tháng 7 và có thể đẩy giá dầu cao hơn trong những tuần tới.
Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá của 2 loại dầu phổ biến nhất thế giới giảm tổng cộng khoảng hơn 2%. Giá dầu suy yếu do tác động của nhiều yếu tố, như: dự trữ xăng của Mỹ tăng, kinh tế ở Trung Quốc phục hồi chậm trong khi Mỹ và Iran vẫn chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, giá dầu Brent chốt tuần ở mức 74,79 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 70,17 USD/thùng. Tuần trước đó, giá dầu Brent chốt tuần ở mức 76,13 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 71,74 USD/thùng.
Như vậy, so với 1 tuần trước đó, giá dầu Brent tuần qua giảm 1,34 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,57 USD/thùng.
Trong tuần này, giá dầu sẽ chịu tác động bởi quyết định thu mua thêm dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ và quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Năng lượng Mỹ ngày 9/6 cho hay, cơ quan này đã trao hợp đồng cung cấp cho 5 công ty để cung ứng 3,1 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ vào tháng 8 tới với mức giá trung bình 73 USD/thùng.
Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa ra lời mời thầu mới cho 3 triệu thùng dầu khác, dự kiến sẽ được giao vào tháng 9.
Quyết định thu mua và mời thầu của Bộ Năng lượng Mỹ có khả năng hỗ trợ giá dầu lấy lại đà tăng ngay từ đầu tuần này.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13-14/6. Điều này cũng hỗ trợ giá xăng dầu đi lên.