Trên thị trường thế giới, giá dầu thô diễn biến trái chiều khi giá dầu WTI tiếp tục tăng còn giá dầu Brent lại quay đầu giảm.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h04' ngày hôm nay (ngày 20/2, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 83,29 USD/thùng, giảm 0,78 USD, tương đương 0,93% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 76,61 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước.
Sau một tuần lao dốc với 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng vào tuần qua, giá xăng dầu thế giới mở đầu tuần mới trong sắc xanh.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h10' hôm qua (ngày 20/2, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 83,62 USD/thùng, tăng 0,62 USD, tương đương 0,75% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 76,97 USD/thùng, tăng 0,63 USD, tương đương 0,83% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu có xu hướng đi lên trong bối cảnh thị trường ghi nhận cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khí đốt tại châu Âu khi mùa hè nắng nóng đang đến gần.
Trái ngược với các dự báo tích cực về triển vọng tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô, nguồn cung lại đang có dấu hiệu thắt chặt.
Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3 tới. Cùng với đó, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1 đã giảm 49.000 thùng/ngày so với tháng 12/2022, xuống mức trung bình 28,88 triệu thùng/ngày.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) mới đây cũng cho biết sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng từ nay đến cuối năm, bất chấp những tín hiệu khởi sắc về nhu cầu dầu.
Bên cạnh đó, giá dầu trên thị trường thế giới tăng trở lại nhờ sự lạc quan về nhu cầu của thị trường. Sau khoảng thời gian dài gần như bị “đóng băng” vì Covid-19, các hoạt động du lịch đang bùng nổ tại nhiều quốc gia, nhu cầu đi lại gia tăng, đặc biệt là lĩnh vực hàng không.
Báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 2 của OPEC đã nêu những triển vọng về nhu cầu dầu. Trong báo cáo này, OPEC đã nâng dự báo về lượng dầu thô cần bơm trong năm nay thêm 250.000 thùng/ngày, lên mức trung bình 29,42 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, với kỳ vọng tiêu thụ ở các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ sớm bùng nổ.
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc tăng mạnh sau khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch Covid-19.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ 15h hôm nay (21/2) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, dựa theo diễn biến giá thế giới, trong kỳ điều hành hôm nay (21/2), giá xăng có thể tăng nhẹ còn giá dầu tiếp tục giảm. Tuy nhiên, mức tăng, giảm còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo dự báo, giá xăng trong nước vào ngày mai có thể tăng từ 200-210 đồng/lít. Giá dầu hỏa có khả năng giảm 550 đồng/lít, dầu diesel giảm 510 đồng/lít.
Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 3 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 3 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.