Giá xăng dầu trong nước hôm nay 25/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, dầu giảm nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 lên 24.600 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống mức 22.350 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 22.309 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng lên 17.981 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.600 | + 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.330 | + 510 |
Dầu diesel | 22.350 | -70 |
Dầu hỏa | 22.300 | + 420 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 25/8
Giá xăng dầu hôm nay 25/8 trên thị trường thế giới quay đầu đi lên sau khi giảm liên tiếp từ đầu tuần.
Giá dầu tăng khi báo cáo của công ty tư vấn Insights Global, Hà Lan cho thấy dữ liệu tồn kho dầu diesel được lưu giữ tại kho lưu trữ độc lập tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp giảm 3% trong tuần gần nhất.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h02' ngày 25/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 83,61 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,3% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,3 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,32% so với phiên liền trước.
Hôm 24/8, giá xăng dầu thế giới tiếp đà giảm từ 3 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h20' ngày 24/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 82,82 USD/thùng, giảm 0,39 USD, tương đương 0,43% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 78,48 USD/thùng, giảm 0,41 USD, tương đương 0,52% so với phiên liền trước.
Đến 21h03' ngày 24/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 82,3 USD/thùng, giảm 0,91 USD, tương đương 1,09% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 77,89 USD/thùng, giảm 1 USD, tương đương 1,27% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi xuống do lo ngại nhu cầu giảm trong bối cảnh các nền kinh tế chủ chốt công bố số liệu kinh tế đáng thất vọng.
Nhật Bản vừa công bố hoạt động của các nhà máy ở nước này bị thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng Euro cũng sụt giảm nhiều hơn dự kiến.
Nền kinh tế Anh có khả năng suy giảm trong quý III, có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Còn ở Mỹ, hoạt động kinh doanh trong tháng 8 được dự báo sẽ tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 2 do nhu cầu kinh doanh mới trong lĩnh vực dịch vụ bị thu hẹp.
Những yếu tố trên đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về "sức khỏe" của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.
Thực tế, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng dần suy yếu khi Mỹ bước vào giai đoạn cuối của mùa tiêu thụ cao điểm còn tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khá chậm.
Trong khi nhu cầu tương đối ảm đạm thì nguồn cung có một vài tín hiệu phục hồi. Điều này đã đẩy giá dầu đi xuống.
Nhiều ý kiến cho rằng Iraq có khả năng nối lại xuất khẩu dầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này có thể bổ sung gần nửa triệu thùng/ngày vào nguồn cung dầu toàn cầu. Nguồn dầu thô từ Iraq được tung ra thị trường có thể làm giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với dầu thô trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có kế hoạch cắt giảm sản lượng kéo dài.
Hiện nay, nguồn cung bổ sung từ một số nước như Iran, Iraq hay Venezuela đang được kỳ vọng có thể bù đắp sự thiếu hụt.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole để đoán định xu hướng lãi suất trong thời gian tới. Nếu Fed tiếp tục phát đi các tín hiệu ưu tiên chống lạm phát, giá USD tăng sẽ gây sức ép cho giá dầu.