Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 có giá 20.480 đồng/lít. Giá dầu diesel lên mức 17.950 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm xuống mức 17.960 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 22/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.490 | +490 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.480 | +350 |
Dầu diesel | 17.950 | +300 |
Dầu hỏa | 17.960 | -10 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (29/5) có xu hướng đi lên theo đà tăng từ tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h55' hôm nay (ngày 29/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent lên mức 77,65 USD/thùng, tăng 0,7 USD, tương đương 0,91% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,41 USD/thùng, tăng 0,74 USD, tương đương 1,02% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá dầu thế giới tiếp tục ghi nhận tuần tăng thứ 2. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 4 phiên và giảm 1 phiên.
Giá dầu trong tuần qua chịu tác động chủ yếu bởi cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ và lo ngại về nguồn cung.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá của hai loại dầu phổ biến nhất thế giới đã tăng hơn 1% trước lo ngại nguồn cung thắt chặt và nhu cầu nhiên liệu có sự khởi sắc.
Sự leo dốc của giá dầu được thúc đẩy bởi dự báo nhu cầu dầu tăng trong nửa cuối năm từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong khi nguồn cung từ Canada và từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) giảm trong những tuần gần đây.
Tới phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu tiếp tục tăng nhẹ do dự báo nguồn cung xăng dầu thắt chặt hơn và lời cảnh báo từ Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia đối với các nhà đầu cơ làm tăng triển vọng cắt giảm sản lượng tiếp theo của OPEC+.
Đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu tiếp tục tăng thêm 2% sau khi thị trường tiếp nhận thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh cộng với tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về khả năng Mỹ sẽ tránh được tình trạng vỡ nợ. Cùng với đó, hoạt động khoan dầu sụt giảm ở Mỹ làm gia tăng rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự báo nhu cầu xăng dầu của Mỹ sẽ tăng vọt trong mùa hè.
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu bất ngờ đảo ngược đà tăng từ đầu tuần với mức giảm khoảng 3%. Sự lao dốc khá nhanh của giá dầu diễn ra sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hạ thấp triển vọng OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp vào tuần này. Trước đó, giá dầu nhận được sự hỗ trợ khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cảnh báo những người đặt cược giá dầu sẽ giảm "hãy coi chừng".
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu lực cản khi đồng USD tăng mạnh. Chỉ số Dollar Index đã vượt mức 104 điểm.
Ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đảo chiều tăng khoảng 1%. Giá dầu đi lên do chịu tác động bởi diễn biến về thỏa thuận trần nợ của Mỹ và các thông điệp về nguồn cung từ Nga và Saudi Arabia trước cuộc họp chính sách của OPEC+
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, giá dầu Brent chốt tuần ở mức 76,95 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 72,67 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều tăng. Trong đó, giá dầu Brent tăng 1,7%, còn giá dầu WTI tăng 1,6% so với tuần trước đó.
Đây là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của giá dầu thế giới. Vào tuần trước đó, giá của dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 2%.