Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm xuống mức 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm về mức 17.770 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 1/6 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.010 | +520 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.870 | +390 |
Dầu diesel | 17.940 | -10 |
Dầu hỏa | 17.770 | -190 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (9/6) suy giảm do gia tăng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá dầu giảm do tác động của nhiều yếu tố, như: dự trữ xăng của Mỹ tăng, kinh tế ở Trung Quốc suy yếu trong khi Mỹ và Iran vẫn chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h57' ngày 9/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,49 USD/thùng, giảm 0,47 USD, tương đương 0,62% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,84 USD/thùng, giảm 0,45 USD, tương đương 0,63% so với phiên liền trước.
Hôm 8/6, giá dầu thế giới giảm nhẹ vào buổi sáng nhưng sau đó lại tăng.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h02' ngày 8/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 76,86 USD/thùng, giảm 0,09 USD, tương đương 0,12% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,46 USD/thùng, giảm 0,07 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Đến 20h26' ngày 8/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 77,12 USD/thùng, tăng 0,17 USD, tương đương 0,22% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,73 USD/thùng, tăng 0,2 USD, tương đương 0,28% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, dù thiếu vắng các chất xúc tác mới song những lo ngại về tình trạng thâm hụt nguồn cung trong giai đoạn cuối năm và một vài tín hiệu tích cực hơn về nhu cầu đã khiến giá dầu hồi phục.
Giá dầu đã lấy lại đà tăng khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động của việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
OPEC+ đồng thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô 3,66 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2024. Còn Saudi Arabia tuyên bố sẽ cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Các chuyên gia cho rằng, việc này có khả năng làm thâm hụt nguồn cung dầu mỏ và có thể đẩy giá dầu cao hơn.
Bên cạnh đó, một vài tín hiệu tích cực hơn về nhu cầu cũng hỗ trợ giá dầu.
Thị trường vẫn hướng sự tập trung vào nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Trong tháng 5, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu lượng lớn dầu thô. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 10,79 triệu thùng/ngày và cao hơn 17,5% so với tháng trước. Điều này thúc đẩy kỳ vọng tích cực hơn về nhu cầu và kéo giá dầu tăng.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hôm 7/6 cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng nhất với thị trường dầu mỏ. Theo IEA, trong số hơn 2 triệu thùng tăng trưởng mỗi ngày về nhu cầu tiêu thụ dự kiến trong năm nay thì có tới 60% sẽ đến từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, tâm lý các nhà đầu tư có thể được cải thiện, từ đó thúc đẩy giá dầu đi lên.
Ngoài ra, sự giảm giá của đồng USD khi cơ hội tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới giảm dần cũng thúc đẩy giá dầu leo dốc. Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt - đã về mức 103 điểm.