Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (30/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 780 đồng/lít, giá xuống mức 22.020 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 780 đồng/lít, giá bán là 23.030 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.300 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít, giá bán là 19.640 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/3 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.030 | -780 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.020 | -780 |
Dầu diesel | 19.300 | -1.200 |
Dầu hỏa | 19.640 | -1.250 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (30/3) quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp. Giá xăng dầu giảm do các nhà đầu tư chốt lời và lo ngại thiếu hụt nguồn cung hạ nhiệt.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h hôm nay (ngày 30/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 77,93 USD/thùng, giảm 0,35 USD, tương đương 0,45% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 là 72,65 USD/thùng, giảm 0,32 USD, tương đương 0,44% so với phiên liền trước.
Hôm qua (ngày 29/3, giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới tiếp đà tăng từ 2 phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h11' hôm qua (ngày 29/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 78,87 USD/thùng, tăng 0,22 USD, tương đương 0,28% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 là 73,63 USD/thùng, tăng 0,43 USD, tương đương 0,59% so với phiên liền trước.
Đến tối qua, giá dầu tiếp tục tăng nhẹ. Lúc 19h29' ngày 29/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 79,48 USD/thùng, tăng 0,83 USD, tương đương 1,06% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 74,11 USD/thùng, tăng 0,91 USD, tương đương 1,24% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu tăng lên do rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Iraq. Giá dầu tăng cao sau khi Iraq ngừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu/ngày từ khu vực bán tự trị của người Kurd ở phía bắc nước này tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết Moscow sắp đạt được mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày xuống còn khoảng 9,5 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ nhờ tình trạng hỗn loạn trong ngân hàng đang được kiềm chế. Việc Ngân hàng First Citizens (FCB) đạt được thỏa thuận mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của Silicon Valley Bank (SVB) với giá 72 tỷ USD giúp cho giới đầu tư giải tỏa tâm lý hoảng sợ khi hệ thống ngân hàng sụp đổ.
Cùng với đó, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi nhu cầu dầu thô của Trung Quốc. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cho hay, nhập khẩu dầu thô của nước này được dự báo tăng 6,2% trong năm 2023, lên 540 triệu tấn.
Tuần trước, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể tăng lên tới 16 triệu thùng/ngày trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của nước này đang tăng mạnh.
Giá dầu cũng được hỗ trợ từ thông tin lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ giảm xuống. Số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) hôm 28/3 cho thấy, dự trữ dầu thô giảm 6,1 triệu thùng. Đây là mức giảm trong tuần mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, giá dầu đi lên do đồng USD suy yếu trong bối cảnh thị trường nhận định về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và tìm kiếm các biện pháp khác trong cuộc chiến chống lạm phát.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt - ngày 29/3 vẫn ở mức 102 điểm.