Ngày mai (21/12) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua dù chỉ tăng nhẹ nhưng đã cắt đứt chuỗi giảm trong 7 tuần liên tiếp.
Trong 3 phiên giao dịch của tuần này, giá dầu quốc tế tăng liên tục. Hiện giá dầu Brent đã tiến gần đến mốc 80 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 7h19' ngày 20/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 1,28 USD, lên mức 79,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/12. Còn giá dầu WTI lên mức 73,44 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 2 tuần.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này có xu hướng tăng so với kỳ trước, mức điều chỉnh tương đối lớn.
Nhận định về giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (21/12), lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng dầu trong nước có khả năng tăng theo giá thế giới.
Theo dự báo, ở kỳ điều chỉnh ngày mai, nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng 520-560 đồng/lít. Còn giá dầu có khả năng tăng khoảng 270-300 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ BOG thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng RON 95 trong nước sẽ có phiên điều chỉnh tăng đầu tiên sau 5 lần giảm liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 36 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 13 lần giảm, 4 lần giữ nguyên và 1 lần trái chiều.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 14/12), giá bán lẻ các loại xăng dầu đều được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 780 đồng/lít, giá xuống mức 20.510 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 920 đồng/lít, giá bán không cao hơn 21.400 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 710 đồng/lít, giá bán còn 19.010 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa giảm 960 đồng/lít, về mức 19.960 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên là nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Theo Bộ Tài chính, tổng số trích Quỹ BOG trong quý III/2023 (từ ngày 1/7-30/9) là 13,92 tỷ đồng. Còn số chi quỹ là 387,94 tỷ đồng.
Số dư Quỹ BOG đến hết ngày 30/9 là 7.058,55 tỷ đồng, trong khi số dư quỹ đến hết ngày 30/6 là 7.429,33 tỷ đồng.