Chị Nguyễn Ngọc Hạnh My (32 tuổi, hiện là giáo viên tại Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) cho biết, mỗi ngày chị phải đi quãng đường 10km để đến trường. Vì vậy, chị đang tính chuyển phương tiện di chuyển.
“Tôi từ quận Gò Vấp sang Bình Thạnh, trước đây đi làm đổ bình xăng 100.000 đồng đi được tầm 6 ngày, nay đổ 100.000 đồng chỉ đi được 4 ngày. Việc giá xăng vượt 31.500 đồng/lít đã khiến tôi suy nghĩ chuyển sang đi làm bằng phương tiện xe buýt…”, chị My chia sẻ.
Theo chị My, đi làm bằng xe buýt sẽ giảm được một khoản tiền xăng nhưng bù lại phải đợi chờ, không chủ động.
Còn chị Ngô Thị Hồng Hạnh đang làm việc tại Hà Nội, đã chuyển sang đi làm bằng tàu điện trên cao.
Chị Hạnh nói lý do chuyển phương tiện đi làm vì giá xăng tăng, cộng với Hà Nội tắc đường liên miên trong giờ cao điểm nên từ giữa tháng 5 đã đi làm bằng tàu điện thay vì xe máy.
“Việc đi tàu điện giúp tôi vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đỡ phải căng đầu ra để tránh các phương tiện khác và khả năng sẽ giảm được tiền xăng xe khi mỗi tháng đi tàu điện chỉ mất 200.000 đồng. Tuy nhiên, việc đi tàu điện cũng có bất tiện là phải di chuyển từ nhà ra bến tàu Cát Linh hơn 4km bằng xe máy…”, chị Hạnh bộc bạch.
Chị Hạnh cho biết thêm, những người bạn của chị ở đường Đội Cấn, Trần Đăng Ninh cũng đã chuyển phương tiện từ xe máy sang tàu điện để đỡ vất vả trong quá trình đi làm.
Chuyển đi làm bằng xe đạp
Với chị Hoàng Thảo Nguyên ở TP Huế, giá xăng dầu tăng nhanh, chiếm một khoản kha khá trong quỹ chi tiêu của mình hằng tháng, nên chị quyết định dùng xe đạp để đi làm.
“Quãng đường từ nhà đến cơ quan của mình tầm 1km nên đi xe đạp cũng tiện, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa tiết kiệm được một khoản.
Bình thường đi xe máy tốn tầm 100.000-150.000đồng tiền xăng/tuần, vị chi mỗi tháng mình tốn trên dưới 500.000 đồng. Khi chuyển sang đi xe đạp, mình tiết kiệm được khoản này để dùng vào việc khác. Cùng với đó, mình chỉ đi xe máy khi quãng đường quá xa”, chị Nguyên nói.
Võ Hoài Nam (sinh viên năm 4, Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) cho hay, khi xăng chưa tăng, cậu chỉ đổ từ 80.000 - 100.000 đồng là có thể đi đủ trong tuần. Nhưng nay, có tuần Nam phải đổ 250.000 đồng nên chi phí sinh hoạt cũng tăng thêm, đi đâu cũng suy nghĩ gần xa.
Nam cho biết thêm, do phải tự trang trải chi phí ăn ở, xăng xe nên việc đi chơi cũng hạn chế. Khi đi ăn uống cậu cũng chọn những quán sinh viên, giá rẻ.
Nam sinh viên còn tâm sự, thời gian tới sẽ phải chi tiêu hợp lý hơn. Thay vì đi chơi cuối tuần thì nay cậu sẽ ở nhà xem phim giải trí, hay hạn chế mua sắm…
Công Sáng