LTS: Những năm gần đây các chủ đề liên quan đến năng lượng điện, đến tình hình hoạt động của EVN luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng được quan tâm, đặc biệt là chuyện “thừa & thiếu” và “lỗ & lãi”. Trong khi miền Nam và Trung Nam bộ dư thừa năng lượng điện tái tạo thì miền Bắc thiếu điện do cạn kiệt nguồn nước. Bài viết này sẽ tập trung vào hai cặp phạm trù “thừa và thiếu” và “lỗ và lãi” của ngành điện nhằm tìm ra giải pháp cho lĩnh vực là xương sống nền kinh tế. |
Cầu tăng, cung giảm
Những con số thống kê cơ cấu nguồn điện, tốc độ tăng trưởng công suất nguồn so với công suất Pmax phụ tải cho thấy ngay từ giai đoạn 2016 - 2020 nguy cơ thiếu điện khu vực miền Bắc đã được chỉ rõ khi tăng trưởng công suất cực đại Pmax đạt 9,3% trong khi tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4,7%.
Nếu đánh giá cơ cấu nguồn điện tại thời điểm năm 2020 của miền Bắc, thủy điện và nhiệt điện than chiếm đến 95% tổng công suất phát.
Với 2 đặc thù cơ bản trên thì khi các hồ thủy điện bị cạn nước, nguồn cấp nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện không ổn định và các dự án phát điện mới chưa đưa vào hoạt động là nguyên nhân chính của việc thiếu điện tại miền Bắc trong thời gian vừa qua.
Và ở chiều ngược lại, các chỉ số thống kê cho thấy, khu vực miền Trung và miền Nam đang dư thừa điện khi tốc độ tăng trưởng nguồn điện lần lượt là 15,5% và 21%, trong khi tăng trưởng Pmax là 5,3% và 7%.
Tuy nhiên, khi đánh giá cơ cấu nguồn điện thì việc thừa điện tại miền Trung và Nam xuất phát từ việc tăng trưởng ồ ạt của điện mặt trời và điện gió, nguồn năng lượng dư thừa này trong ngắn hạn đã gây áp lực bất lợi lên hệ thống truyền tải cũng như lãng phí hiệu quả kinh tế nguồn lực xã hội.
Việc truyền tải điện dư thừa bổ sung cho miền Bắc được dư luận quan tâm và đặt vấn đề với những người có trách nhiệm.
Theo thông tin từ EVN, đường dây truyền tải đã đạt ngưỡng giới hạn (2500-2700MW) trong những ngày gần đây. Như vậy chúng ta thừa điện nhưng lại xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên trong 2 tuần qua. Việc cắt điện đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, an sinh xã hội gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Nhìn trực diện vào vấn đề, EVN đã dự báo được và đưa ra cảnh báo nhiều lần về nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc ngay từ những năm 2017-2019. Đại dịch Covid đã cứu thua cho EVN khi nhu cầu tiêu thụ điện trong giai đoạn 2020-2022 sụt giảm.
Để giải bài toán này thì phải vừa làm ra điện, vừa dẫn được điện từ chỗ phát điện đến nơi dùng điện. Phát điện thì phải đầu tư xây dựng nhà máy, dẫn điện thì phải xây dựng đường dây và các máy biến áp. Các dự án, các giải pháp để giải quyến tình trạng thiếu điện đã được đưa ra nhưng có lẽ một lần nữa nó lại bị trói chặt trong lồng cơ chế.
Sau ngày thống nhất đất nước tháng 4/1975, tổng công suất điện cả nước chỉ đạt dưới 3.000 MW, thiếu điện triền miên, không đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trước tình hình đó, EVN đã mạnh dạn đề xuất một số cơ chế đặc biệt, đó là các cơ chế 797, 400 và 1195, được Thường trực Chính Phủ chấp thuận.
Các cơ chế này giống như cuộc cách mạng mới về thay đổi cơ chế quản lý đầu tư trong ngành điện. EVN căn cứ vào các Tổng sơ đồ 5, 6 và 7 được quyền tự quyết định đầu tư các dự án từ khâu thiết kế, phê duyệt dự toán, đấu thầu, xây dựng và đưa vào vận hành.
Nhờ sức mạnh cơ chế nói trên, chỉ trong 12 năm từ 2003-2015 riêng EVN đã xây dựng 28 nhà máy thủy điện, và hơn 10 nhà máy nhiệt điện tại các Trung Tâm điện lực qui mô lớn tại Vĩnh Tân, Phú Mỹ, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hải Phòng, bao gồm cả nhà máy thủy điện Sơn La (vượt trước tiến độ 2 năm, làm lợi hơn 1 tỷ USD). Từ một đất nước thiếu điện trầm trọng, Việt nam đã xếp vào 29 nước hàng đầu trên thế giới.
Lời giải bài toán thiếu điện
Hiện nay, các cơ chế trên đã không còn, các bước trình duyệt dự án đầu tư làm lại gần giống như trước đây, thông qua Bộ chuyên ngành, thông qua Ủy ban quản lý vốn,… nhiều dự án trình duyệt 1-3 năm chưa xong, trong 5 năm gần đây EVN chưa khởi công được dự án lớn nào trong khi nhu cầu tiêu thụ điện mỗi năm tăng 5-10%.
Quy hoạch Điện 8 được ban hành ngày 15/5/2023, tức là chậm hơn 2 năm. Đến nay đã được hơn 1 tháng trôi qua mà Bộ Công Thương vẫn chưa ban hàng chính sách, kế hoạch nào hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch.
Các văn bản quy phạm pháp luật cần được soạn thảo và thẩm định kỹ lưỡng trước khi ban hành, tuy nhiên thiếu điện như hỏa hoạn, nếu không nhanh, không quyết liệt thì hậu quả sẽ là rất lớn. Các giải pháp khắc phục tạm thời, ngắn hạn và công tác chuẩn bị cho các mục tiêu dài hạn của EVN cũng như các thành phần kinh tế khác vẫn trong tình trạng loay hoay “đợi và chờ”.
Với cơ chế hiện tại, cho dù việc tái cơ cấu lại EVN, thu hút thêm doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài khác tham gia đầu tư và hoạt động của chuỗi cung ứng điện thì liệu có giải quyết triệt để được phạm trù “thừa & thiếu” điện này không?
Chắc chắn câu chuyện thiếu điện vẫn định kỳ lặp lại trong những chu kỳ cao điểm không chỉ trong năm nay mà trong vài năm tới. Rất dễ để đổ lỗi cho EVN yếu kém trong quản lý để xảy ra thiếu điện thế nhưng đổ lỗi và quy tội cũng không thể giải quyết được gốc của vấn đề.
Quy hoạch Điện 8 ưu tiên phát triển nguồn điện nội bộ vùng, hạn chế truyền tải liên vùng. Như vây việc đầu tư phát triển các nguồn điện nội tại vùng (cùng với tuyên truyền tiết kiệm điện, ứng dụng công nghệ mới theo chương trình DR) là giải pháp định hướng cho bài toán thiếu điện của miền Bắc cho những năm tới.
Trước mắt, vẫn phải sớm hoàn đầu tư xây dựng một số nhà máy điện than đã được chấp thuận trong quy hoạch. Các dự án điện khí cần sớm ban hành quy định đàm phát giá mua điện dài hạn dù phải chấp nhận giá đắt hơn để nhà đầu tư dự án có căn cứ huy động tài chính. Điện gió và năng lượng tái tạo phát triển hài hòa theo lộ trình giải phóng tuyến năng lượng. Điện mặt trời mái nhà tự dùng không phát lưới và nhập khẩu điện là giải pháp cấp thiết trong ngắn hạn cho tình trạng thiếu điện cục bộ.
Để thu hút đầu tư phát triển nhanh chóng nguồn điện mới thì cơ chế giá điện phải được ưu tiên xem xét khẩn cấp. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào lợi nhuận kỳ vọng để xem xét đầu tư khi Việt Nam giảm dần tỷ trọng các dự án điện than bằng điện khí và năng lượng tái tạo thì sẽ có sự đánh đổi giữa giá mua điện và giảm khí thải.
Nếu tiếp tục để giá điện thấp hơn chi phí sản xuất để dân không kêu ca thì cần bù lỗ cho giá điện từ ngân sách nhà nước.
Nhưng đó là giải pháp tồi và không khả thi.
Giải pháp tốt nhất là thúc đẩy nhanh sự hình thành thị trường điện bán lẻ đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Kìm hãm giá điện đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế thị trường, không thu hút đầu tư phát triển nguồn năng lượng mới, không khơi thông được nguồn vốn để phát triển nguồn điện đáp ứng nhu cầu tăng trường kinh tế và tiêu dùng của nhân dân.
Tô Văn Trường
(Còn nữa)
Bài 2: Chuyện lỗ, lãi của EVN