Đây có thể xem là động lực thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư sử dụng đồng vốn cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giải ngân đầu tư công. Mặt khác, áp lực rất lớn lên chủ đầu tư dự án.
Song, cần có thêm chính sách cải cách hành chính trong quản lý, hỗ trợ đối với các nhóm dự án có vốn lớn. Cải tiến công tác phối hợp thực thi giữa các sở ngành, chủ đầu tư.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan trăn trở về vấn đề giải ngân đầu tư công của TP.HCM về việc “có tiền mà không tiêu được” và “muốn làm mà không có tiền”.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến giữa tháng 12-2022, ước tính đạt gần 77% tổng số vốn được giao của TP.HCM.
Định hướng mức vốn kế hoạch đầu tư công của TP.HCM được kỳ vọng phân bổ trong năm 2023 là hơn 70.000 tỉ đồng, cao gần gấp hai lần năm 2022. Trong chỉ tiêu về phát triển kinh tế năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.
Đừng “nhắm mắt” đẩy vốn
Giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu cuối cùng vẫn phải là hiệu quả dùng đồng vốn được giao làm thước đo chứ không đơn thuần chỉ nhìn vào những con số vốn đầu tư là bao nhiêu tỉ đồng hay giải ngân càng nhiều càng được xem hiệu quả càng cao.
Nếu chỉ chạy theo mục tiêu giải ngân hoàn thành kế hoạch được giao mà bất chấp khả năng thực tế, chất lượng công việc sẽ gây hệ lụy lớn trong thời gian dài.
Việc giải ngân vốn đối với 12 đại dự án lớn tai tiếng trì trệ và gây thua lỗ thuộc Bộ Công Thương, Mobifone mua AVG gây thất thoát ngân sách hàng ngàn tỷ đồng cũng là đầu tư công nhưng kết quả như thế nào thì ai cũng có thể thấy “đau xót”, nhắc lại để rút kinh nghiệm tránh vết xe đổ.
Một khi kết quả giải ngân đầu tư công được xem là thành tích cho bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư, người có trách nhiệm tiêu tiền thì không loại trừ khả năng “nhắm mắt” đẩy vốn đi cho nhẹ “gánh nặng”, hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kiểm điểm và giải trình lý do không đạt yêu cầu giải ngân vốn.
Thậm chí, biết là không ổn, không thấy hiệu quả và lợi ích thật sự đối với số tiền giải ngân đó. Ví dụ, chỉ mới duyệt hồ sơ bồi thường hạ tầng công trình kỹ thuật đã tranh thủ giải ngân 100% chi phí. Lúc này, lắm khi chỉ ở bước lập hồ sơ mời thầu, chưa triển khai thi công.
Có nghĩa là chưa có sản phẩm, khối lượng thực hiện nhưng chủ sở hữu đã được chuyển tiền. Số tiền này được hiểu đã đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư, kế hoạch được giao. Tuy nhiên, chưa có khối lượng thi công.
Như vậy, giống như cứ bắt ép tiêu tiền dễ dàng, không loại trừ khả năng “ném tiền qua cửa sổ”.
Theo quy định những năm gần đây, không giải ngân theo tiến độ thực tế như trước nữa mà theo kế hoạch vốn đầu tư công. Nghĩa là có vốn được giao hàng năm, vốn trung hạn và dài hạn thì mới được giải ngân. Kế hoạch này nhiều khi không sát thực tế, vướng mắc hoặc có các phát sinh khác dẫn đến kéo dài.
Trong khi đó, có những dự án cấp thiết hoặc đã có khối lượng nhưng không thể giải ngân vì chưa được bố trí vốn đầu tư công, giao vốn không đủ. Thành ra, có tình trạng “có tiền mà không tiêu được” và “muốn làm mà không có tiền”.
Sở dĩ quy định giải ngân theo số vốn được giao để dễ kiểm soát ngân sách, tránh các trường hợp giải ngân vượt mức kế hoạch không đảm bảo tuân thủ nghiêm kỷ luật tài chính.
Tuy nhiên, lại khó cho chủ đầu tư bởi nếu trong khoảng thời gian một năm quá ngắn để giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn. Chưa kể những trường hợp chậm giao vốn, chưa có cơ chế linh hoạt trong điều chuyển vốn.
Dễ thấy rằng, nếu quay lại cách làm cũ giải ngân theo thực tế thì lo vượt trần kế hoạch ngân sách, còn làm theo quy định hiện nay thì không ít dự án đang thi công hoặc đã có “sản phẩm” khối lượng nhưng lại bị “tắc” vốn và không có cơ sở để giải ngân thanh toán.
Giờ là lúc rà soát, xem xét cách giao vốn và giải ngân đầu tư công để có cái nhìn đầy đủ đối với yêu cầu sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả làm thước đo chứ không chỉ kiểm soát giá trị giải ngân.
Từ đó, có giải pháp tổng thể vừa đạt yêu cầu giải ngân vừa đảm bảo kiểm soát ngân sách bằng những cách làm thực chất phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nên chăng, phân quyền giao việc và mở thêm hướng ra cho chủ đầu tư quyết định sử dụng đồng vốn, giải ngân theo thực tế hoặc giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, chủ động linh hoạt trong điều chuyển vốn đầu tư công.
Ví dụ, xét thấy dự án nào chưa đáp ứng kế hoạch thì kịp điều chỉnh, cân đối vốn bổ sung qua cho các dự án ít trở ngại hơn và thật sự có nhu cầu mang tính cấp bách khác đã có khối lượng thi công hoặc đang chờ giao vốn.
Giải ngân vốn đầu tư công, cần soi xét vào khối lượng được thực hiện và tiến độ từng dự án. Xem lại năng lực lập kế hoạch, không dễ dãi bố trí vốn cho những dự án có mục tiêu chưa rõ ràng, thiếu khả năng tiêu thụ vốn thực tế. Thành tích giải ngân phải đạt hiệu quả trên cơ sở làm ra sản phẩm, khối lượng nghiệm thu, công việc thực tế kèm theo.
Cần người đứng đầu dám nghĩ, dám làm
Phần lớn nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công được xác định vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính kéo dài. Ngoài ra, còn có công tác phối hợp giữa các bên.
Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận hiện nay ngân sách đã giao cho Sở Công thương nhưng vẫn phải cứ “hỏi tới hỏi lui”, hỏi các sở khác góp ý, nếu không góp ý thì không làm được, điều này làm mất thời gian.
Người viết có nhiều năm làm quản lý dự án thấy rằng, trình tự đầu tư xây dựng hiện nay còn bị ràng buộc ảnh hưởng giải ngân vốn đầu tư công.
Theo thứ tự thực hiện, triển khai công tác giải phóng mặt bằng phụ thuộc thủ tục chuẩn bị dự án: “Tổ chức lập, thẩm định. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có). Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án”.
Những công việc này cũng mất nhiều thời gian, tùy quy mô và tính chất dự án có thể kéo dài vài năm mới xong khâu thủ tục duyệt dự án. Sau đó triển khai tiếp công việc khảo sát xây dựng và lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng, cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng), tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây lắp công trình, giám sát xây dựng rồi mới triển khai thi công.
Chỉ cần một trong nhiều bước thực hiện gặp trở ngại, kéo theo hàng loạt chậm trễ khác.
Cần xem xét áp dụng cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án có thu hồi đất và thực hiện trước bằng nguồn vốn riêng.
Cho phép tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng trong khi thiết kế cơ sở và dự án thành phần xây dựng chưa phê duyệt để thực hiện trước vì công việc này mất nhiều thời gian, sau đó cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.
Những dự án có quy mô lớn, thủ tục và khối lượng công việc phải làm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị… Khâu tổ chức quản lý, triển khai thực hiện mọi thứ phải làm đúng theo quy định nhưng nên cụ thể trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân tham gia dự án. Chậm ở khâu nào, có cá nhân chịu trách nhiệm, liền có người theo dõi phối hợp giải quyết.
Cần có “nhạc trưởng” đủ khả năng chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, làm đầu mối tổ chức thực hiện, kịp giải quyết các trở ngại, xác định những việc cần làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền nhằm hoàn tất theo đúng lộ trình. Có như vậy dự án sẽ càng thuận lợi hơn, kiểm soát bảo đảm tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công.
Về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan phải dám nghĩ, dám làm, giải quyết nhanh công việc theo quyền hạn chức năng và nhiệm vụ ở từng nơi. Rà soát lại quy trình thuộc đơn vị mình quản lý, sửa hoặc thay đổi những bất cập thuộc thẩm quyền.
Kĩ sư Trần Văn Tường