Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó trưởng phòng phụ trách quản lý nước sạch nông thôn (Cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồng bào dân tộc miền núi thiếu nước sạch. 

Đầu tiên là do tình trạng phá rừng khiến các mạch nước ngầm lộ thiên không còn được duy trì thường xuyên như trước đây. Hiện nay, nguồn nước ngầm ở các khe suối chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, đến mùa nắng nóng, khô hạn nguồn nước này không còn để dùng.

Trong khi đó, nhiều nơi đồng bào miền núi chưa có thói quen tích trữ nước theo hộ gia đình nên khi nguồn nước từ sông, suối cạn kiệt thì bà con rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. 

Huong Lap Quang Tri 3.jpg
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu bỏ ra 1 đồng đầu tư nước sạch cho người dân thì tiết kiệm được 3-4 đồng chi phí chữa bệnh liên quan đến việc sử dụng nước không hợp vệ sinh. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Một số địa phương như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… dù có bể chứa nước tập trung nhưng khô hạn kéo dài, bể chứa cạn trơ đáy nên người dân không có nước để dùng.

Ở một số nơi, dù có công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt, nhưng do các hộ đồng bào dân tộc miền núi phân bổ thưa thớt, điều kiện kinh tế eo hẹp nên các công trình cung cấp nước sạch gặp khó khăn trong việc duy trì vận hành.

Hơn nữa, cơ chế tài chính cho cấp nước vùng đồng bào miền núi là dịch vụ công ích do nhà nước đảm bảo, nhưng hiện nay ngân sách các tỉnh hạn hẹp nên kinh phí duy trì vận hành cung cấp nước bình thường hầu như không có.

Trong khi đó, khả năng kêu gọi xã hội hoá cung cấp nước sạch rất khó khăn do đời sống kinh tế của bà con còn eo hẹp. Việc thu tiền sử dụng nước người dùng còn rất khó vì người dân đồng bào miền núi chưa có thói quen trả tiền sử dụng nước sạch.

Theo thống kê từ Cục Thuỷ lợi cho thấy, trong tổng số 18.109 công trình cấp nước sạch tập trung cho người dân trên cả nước, có tới 30-40% công trình hoạt động kém hiệu quả phải dừng hoạt động. Các công trình này chủ yếu ở các vùng đồng bào miền núi.

Các công trình cung cấp nước sạch hoạt động kém hiệu quả chủ yếu là do không được duy tu, duy trì hoạt động thường xuyên. Một số nơi do bão lũ càn quét gây hư hại nên vào mùa khô không thể cung cấp nước sạch, một số khác không được khắc phục nên khi cần nguồn nước lại không thể hoạt động.

Vận hành chuyên nghiệp trung tâm cung cấp nước sạch

Ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, hiện nay vùng miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn rất thấp. 

Quan Ba Ha Giang 1.jpg
Nhiều vùng miền núi cao cần được đầu tư các công trình cấp nước sạch. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong đó, vùng Tây Nguyên chưa đến 39% người dân được dùng nước sạch, vùng miền núi phía Bắc chỉ khoảng 44%.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu bỏ ra 1 đồng đầu tư nước sạch cho người dân thì tiết kiệm được 3-4 đồng chi phí chữa bệnh liên quan đến việc sử dụng nước không hợp vệ sinh. Do vậy, để đảm bảo sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì việc cung cấp nước sạch cần được đặc biệt quan tâm.

Theo ông Luân, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi, cần thiết phải xây dựng các công trình cung cấp nước sạch cho bà con. Các công trình này có thể do ngân sách nhà nước đầu tư vận hành, đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương cần duy trì các trung tâm cung cấp nước sạch quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Nếu nguồn kinh phí từ người dân sử dụng nước không đủ bù chi thì địa phương có thể bố trí ngân sách để đảm bảo vận hành hiệu quả.

"Công tác quản lý vận hành cung cấp nước sạch phải chọn mô hình quản lý phù hợp, phải duy trì được sự bền vững và tính hiệu quả của công trình. Những người tham gia vận hành phải được đào tạo bài bản, vì công trình vận hành mang tính kỹ thuật nên khi hư hỏng phải có người sửa chữa, đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục", ông Luân lưu ý.

Đề xuất rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Quốc Hưng cho rằng, về lâu dài, các địa phương phải thực hiện cơ chế dịch vụ công ích với đơn vị dịch vụ cung cấp nước sạch theo hướng địa phương bố trí vốn để duy tu, bảo trì công trình cấp nước sạch.

Thay đổi mô hình quản lý theo hướng phát triển các đơn vị cấp nước sạch như đơn vị một thành viên chuyên nghiệp, không nên giao cho UBND xã quản lý. Bởi lẽ, chính quyền xã quản lý không chuyên nên khó hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương có thể nghiên cứu phát triển hình thức giao khoán cho doanh nghiệp tư nhân theo Nghị định 43/2022 về quản lý tài sản công hạ tầng cấp nước. Công trình đầu tư có thể khoán cho doanh nghiệp quản lý vận hành, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Quan Ba Ha Giang 3.jpg
Người dân được sử dụng nước sạch tại Hà Giang. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Đối với những khu vực miền núi dân cư phân bổ thưa thớt, không thể cấp nước tập trung, đại diện Cục Thuỷ lợi cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích người dân phát triển mô hình trữ nước mưa đảm bảo đủ lớn để sử dụng vào mùa khô. 

Chính phủ đã ban hành quyết định số 10/2024 về tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho phép hộ gia đình vay đến 25 triệu đồng để xây dựng công trình cấp nước. Việc sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng này sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc tại vùng núi khó khăn đảm bảo chủ động tích trữ nguồn nước sạch trong mùa khô.