Năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).
Trong vụ Việt Á, đầu tháng 12/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kê biên tài sản và tạm giữ 1.700 tỷ đồng được các bị can tự giác nộp lại.
Theo ông Tô Ân Xô, đây là vụ án rất phức tạp, gây nhiều bức xúc trong công luận và được dư luận, nhân dân quan tâm theo dõi, cơ quan điều tra sẽ cố gắng kết thúc điều tra vụ án trong quý 1/2023.
Liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu, ông Tô Ân Xô khẳng định, số tiền kê biên phong tỏa, các bị can nộp để khắc phục hậu quả là 80 tỷ đồng.
Một vụ án khác mà dư luận đặc biệt quan tâm là vụ AIC. Ở vụ án này, các bị cáo đã phải nhận án, nhưng việc xử lý tài sản kê biên vẫn còn phức tạp. Cụ thể, cơ quan điều tra đã phong tỏa hơn 107 tỷ đồng, là số dư trong 4 tài khoản của Công ty AIC tại ngân hàng.
Tuy nhiên, phía ngân hàng cho rằng: Hiện, Công ty AIC đang có dư nợ quá hạn tại ngân hàng với số tiền gốc là hơn 12 tỷ đồng và lãi phí phạt phát sinh, cùng số dư bảo lãnh hơn 7 tỷ đồng. Phía ngân hàng đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa số tiền hơn 4 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ.
HĐXX cho rằng, cần tiếp tục điều tra làm rõ số tiền hơn 107 tỷ đồng nêu trên nên giao cho VKSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra còn kê biên các tài sản gồm: 1 biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nhờ bố đẻ đứng tên); 1 biệt thự 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự (Hà Nội), đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn; 6 căn hộ tại chung cư Pacific Palace ở 83D phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn; thửa đất diện tích 4.065m2 tại lô F1, F2 thuộc dự án đấu giá sử dụng ruộng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy, nguồn gốc thửa đất diện tích 4.065m2 kể trên đã không còn thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn khi mà bị cáo này đã không còn là cổ đông của đơn vị sở hữu khối tài sản trên.
Do đó, cần giao khối tài sản trên cho VKSND Tối cao để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Giải quyết “điểm nghẽn” trong thu hồi tài sản tham nhũng
Rõ ràng việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế không hề đơn giản. Một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (THADS) cho rằng, cơ quan thi hành án luôn gặp khó khi trong các vụ án tham nhũng, một số bản án khi tuyên phần xử lý tài sản chỉ dựa theo lời khai của đương sự.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra tập trung việc chứng minh tội phạm nên công tác về xử lý tài sản chưa thực sự để tâm. Cơ quan điều tra thực hiện việc kê biên tài sản, nhưng trên thực tế, tài sản của tội phạm tham nhũng lại khác với tài sản bị kê biên.
Đầu năm 2022, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự. Đáng chú ý, Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn trường hợp "ủy thác thi hành án từng phần" và bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
Trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, cơ chế này được kỳ vọng sẽ khắc phục “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng thời gian vừa qua.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, từ 1/10/2021- 30/9/2022 đã thi hành án xong 539.290 việc, tăng 44.785 việc, đạt tỷ lệ 82,5% (tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2021), với tổng số tiền thi hành án xong trên 75.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,42% (tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2021).
Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, đã thi hành xong gần 1.900 việc, thu được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng (tăng 290,51% so với cùng kỳ năm 2021).
Theo người đại diện Cục THADS, thời gian qua, Cục THADS đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đã gửi tên của đương sự trong vụ án hình sự xuống các địa phương để rà soát ra thông tin đăng ký tài sản tại các cơ quan đăng ký tài sản, từ đó lọc ra xem có tài sản bị che giấu không.
Trên cơ sở đó đã tìm thấy rất nhiều các tài sản mà đương sự che giấu ở nhiều địa phương khác nhau, để từ đó thu hồi tài sản tốt hơn.