Ăn chay đã trở nên phổ biến trên thế giới. Xu hướng mới nhất là mọi người chỉ ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật không cần nấu chín. Họ không ăn thực phẩm đã được chế biến hoặc thay đổi so với trạng thái tự nhiên, chẳng hạn như yến mạch hoặc sữa hạnh nhân.
Theo NYPost, những người đam mê chế độ ăn thuần chay thô cho rằng nấu chín rau củ làm mất chất dinh dưỡng và enzym. Họ tin rằng chế độ ăn này sẽ ngăn ngừa hoặc đảo ngược bệnh tật, tăng cường mức năng lượng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, một chuyên gia cảnh báo xu hướng ăn kiêng trên thực sự có thể gây hại nhiều hơn lợi nếu áp dụng trong một khoảng thời gian dài.
“Mặc dù theo một chế độ ăn dựa trên thực vật có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng ăn thuần chay thô có thể đưa mọi thứ đi quá xa. Cách ăn này có thể đi kèm với những rủi ro lớn hơn nếu không được tuân thủ một cách cẩn thận”, Tiến sĩ Laura Brown, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên cao cấp về dinh dưỡng, thực phẩm và khoa học sức khỏe tại Đại học Teesside (Anh), cảnh báo.
Nghiên cứu ghi nhận, một số loại thực phẩm sống có thể tốt cho sức khỏe hơn khi nấu chín. Nhưng Tiến sĩ Brown chia sẻ trên Conversation rằng nhiều loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn khi nấu chín do vách tế bào bị phá vỡ, giải phóng chất dinh dưỡng. Rau nấu chín cũng có thể cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa hơn.
Ví dụ, rau chân vịt nấu chín sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi dễ dàng hơn. Các loại rau như măng tây, nấm, cà rốt, bông cải xanh, cải xoăn và súp lơ trắng cũng có nhiều chất dinh dưỡng hơn khi chín.
Những người tuân thủ chế độ ăn thuần chay thô dễ thiếu vitamin và khoáng chất - chẳng hạn như vitamin D, B12, kẽm và sắt (có trong thịt và trứng). Những loại vitamin này hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và đóng một phần trong cấu trúc, sự phát triển và sản xuất của não và tế bào thần kinh.
Mức độ vitamin B12 là mối quan tâm lớn nhất. Một nghiên cứu chứng minh, 38% những người theo chế độ ăn thực phẩm thô trong thời gian dài thiếu vitamin B12. Do sự thiếu hụt này, chế độ ăn thuần chay thô cũng làm tăng homocysteine. Nồng độ homocysteine tăng cao dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn.
“Nếu bạn đang lên kế hoạch thực hiện một chế độ ăn thuần chay thô, điều quan trọng là phải lập kế hoạch cẩn thận để đảm bảo bạn hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để có sức khỏe tối ưu. Tôi khuyên các bạn không nên áp dụng trong một thời gian dài vì có nhiều rủi ro”, Tiến sĩ Brown nói.