Những người áp dụng “chế độ ăn kiêng sư tử” không ăn gì ngoài thịt, muối và nước trong 30 ngày. Họ ca ngợi hình thức này giúp chữa dị ứng, đau đầu, da xấu và cân bằng tâm trạng.
Tuy nhiên, theo Healthline, giới chuyên môn khuyến cáo nên thận trọng vì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chế độ ăn chỉ có thịt tốt cho sức khỏe.
Nhưng những khuyến nghị đã không ngăn được nhiều người áp dụng chế độ ăn kiêng gây tranh cãi. Rory, một người đàn ông sống ở Brisbane (Australia), đã thử nghiệm thực đơn đáng ngờ để mong trị căn bệnh dị ứng.
Rory có hơn 200.000 người theo dõi và 2,8 triệu lượt thích trên mạng xã hội. Anh đang ở ngày thứ 23 của kế hoạch nghiêm ngặt, ăn thịt băm của các loại động vật ăn cỏ.
Khi bắt đầu, Rory tuyên bố có một đêm ngủ ngon nhưng bắt đầu cảm thấy không khỏe. Tới những ngày tiếp theo, người này chia sẻ, da bắt đầu đẹp hơn, xoang thông thoáng, đi ngoài đều đặn.
Trước đó, diễn giả nổi tiếng Mikhaila Peterson, 28 tuổi, tự nhận mình là người nghĩ ra hình thức ăn kiêng này. Peterson mô tả đây là “phương thuốc chữa bách bệnh” khắc phục một loạt vấn đề sức khỏe mà cô mắc phải từ khi còn nhỏ.
Cô cho biết đã đau ốm từ thời thơ ấu. Khi mới 7 tuổi, cô được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp và phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi 8 tuổi. Peterson bị trầm cảm nặng khi 12 tuổi.
Năm 14 tuổi, Peterson thường xuyên mệt mỏi và bắt đầu ngứa ngáy khắp người. Ba năm sau, cô phải thay khớp háng và khớp cổ chân do viêm khớp. Cô bị đau kéo dài trong 10 năm sau đó.
Năm 21 tuổi, cô được chẩn đoán mắc chứng mệt mỏi mạn tính. Cô bị phát ban và quyết định thay đổi chế độ ăn uống để giải quyết các bất ổn của mình.
Sau một thời gian thử nghiệm, cô chuyển sang thực đơn toàn thịt. “Não và ruột của tôi bị tổn thương đến mức tôi chỉ có thể hấp thụ thịt bò hoặc thịt động vật nhai lại”, Peterson chia sẻ. Cô cho biết đã ăn kiêng được 5 năm, hiện tại sức khỏe bình thường.
Trong khi đó, Tổ chức Tim mạch Australia khuyên người dân nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ (bò, lợn, cừu) ở mức 350g chưa qua chế biến mỗi tuần và nên kết hợp với rau, ngũ cốc nguyên hạt.
Tờ New York Post đưa tin các chuyên gia đánh giá chế độ ăn kiêng toàn thịt “không bền vững, không lành mạnh, không hiệu quả, quá hạn chế và cực đoan”. Chứa nhiều chất béo bão hòa, chế độ ăn trên có khả năng dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.