Ngay đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã ký ban hành Kế hoạch về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Tỉnh phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2024 đạt 68%; tăng 2,38% so với năm 2023, trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 58,21%; tăng 1,17% so với năm 2023.
Trong nhiệm vụ nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội - tinh thần, Tỉnh uỷ Yên Bái nêu rõ giải pháp tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững theo chuẩn nghèo mới; nhất là khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân.
Năm nay, Yên Bái phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm trên 4,1% so với năm 2023, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,3%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,8%.
Giảm nghèo với địa phương miền núi này không chỉ là khẩu hiệu cho lãnh đạo các cấp hay xã hội, mà thấm sâu vào từng kế hoạch, ý tưởng và hành động thực tiễn. Mục tiêu cuối cùng là mang lại, nâng cao sự hài lòng về đời sống vật chất, tinh thần, sức khoẻ, môi trường, tựu trung là nâng cao chỉ số hạnh phúc.
Thực hiện kế hoạch này, nhiều địa phương trong tỉnh năm 2024 đặt ra những nhiệm vụ cao hơn, khắt khe hơn trong công tác giảm nghèo so với nhiệm vụ được cấp trên giao.
Đơn cử Thành phố Yên Bái là 1 trong 3 đơn vị cấp huyện (cùng với huyện Trấn Yên và Yên Bình) được giao nhiệm vụ xây dựng 12/15 xã, phường không còn hộ nghèo (tức 80%), tỷ lệ hộ nghèo giảm về 0,2%. Tuy nhiên, thành phố đặt mục tiêu cao hơn là phấn đấu 100% xã, phường không còn hộ nghèo, tương đương với giảm 111 hộ nghèo. 100% hộ nghèo có đất đai đủ điều kiện theo quy định được triển khai hỗ trợ làm nhà.
Vấn đề khó khăn của thành phố Yên Bái là hiện nay hầu như các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng tự thoát nghèo. Trong tổng số 111 hộ nghèo của thành phố cuối năm 2023, có 43 hộ đang hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, chủ yếu là hộ gia đình không có khả năng lao động, nguồn thu nhập chủ yếu từ trợ cấp. 19 hộ nghèo bất khả kháng không làm được nhà do không đủ điều kiện về đất đai nên không thực hiện được chính sách hỗ trợ làm nhà.
Hiểu rõ điều khó khăn nhất, nhưng vẫn đặt ra mục tiêu cao hơn, thành phố Yên Bái càng phải nỗ lực hơn. Nhiều phường xác định tuyên truyền đi trước, đẩy mạnh công tác này một cách rộng rãi, khơi dậy lòng nhân ái "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của mọi người dân. 6 tháng đầu năm 2024, 36 hộ ở thành phố làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo trong năm.
Trong khi đó, huyện Văn Yên gây ấn tượng mạnh với phong trào thi đua "Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo” hướng tới xã không còn hộ nghèo. Đây được xem là phong trào đầu tiên của tỉnh Yên Bái, phấn đấu năm nay có ít nhất 6 thôn và 8 dòng họ không còn hộ nghèo. Vậy nhưng đầu tháng 9, qua đánh giá sơ bộ của các xã, 15 thôn và 10 dòng họ đăng ký không còn hộ nghèo trong năm 2024 đã cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.
Ý chí thoát nghèo không chỉ ở lãnh đạo các cấp trong huyện, trong xã/thị trấn, thôn bản hay trong các trưởng dòng họ mà thấm vào từng người dân. Gia đình chị Nguyễn Thị Bảy là một trong số 20 hộ nghèo của thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên. Không có đất sản xuất, hai vợ chồng là lao động tự do, nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống gia đình nhiều khó khăn. Đầu năm 2024, khi địa phương phát động phong trào thi đua, gia đình chị đăng ký tham gia với quyết tâm cao "không thể mãi đói nghèo" khi hai vợ chồng còn trẻ, còn khoẻ. Họ quyết tâm năm nay sẽ là hộ đầu tiên của xã có đơn xin thoát nghèo.
Phong trào thi đua "Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo” được xác định là phong trào trọng tâm trong lộ trình đưa huyện Văn Yên cán đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024. Điều quan trọng, phong trào đã khơi dậy ý chí vươn lên của người dân nghèo, tạo nên khí thế mới trong đời sống địa phương.
Tại huyện Trấn Yên, nơi có tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 là 4,13% (vào nhóm thấp nhất tỉnh Yên Bái), năm 2024, huyện lựa chọn 20 mô hình, điển hình tiên tiến để truyền cảm hứng thoát nghèo cho các hộ.
Đây là những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Các mô hình, điển hình tiên tiến được lựa chọn phù hợp ở các địa phương trong huyện và mô hình được thụ hưởng chính sách giảm nghèo tập trung ở 10 xã: Hồng Ca, Lương Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường, Kiên Thành, Vân Hội, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Quy Mông, Y Can.
Điều quan trọng là huyện mong muốn sau khi được tư vấn, giúp đỡ bởi các mô hình điển hình tiên tiến và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn 1 năm nữa, Trấn Yên có ít nhất 50 hộ xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế, mang tính khả thi...
Giảm nghèo đa chiều, bền vững không chỉ là những con số mà là hành trình đồng hành, truyền động lực, tiếp sức cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ hay các cấp ở địa phương. Với cách làm sáng tạo, vì người nghèo theo đúng chủ trương "không ai bị bỏ lại phía sau", Yên Bái sẽ thực hiện hiệu quả các chương trình can thiệp giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.