Bà Bùi Thị Lan – 78 tuổi, người dân tộc Mường trú tại xóm Lòng, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình trở thành người truyền tin của cả xóm bởi vì bà có điện thoại thông minh, lên mạng đọc các thông tin hằng ngày, thu thập các thông tin bổ ích, những điều hay lẽ phải để truyền dạy lại cho con cái.

Trước đây, bà Lan thường tham gia các buổi văn nghệ quần chúng, đi lễ chùa đọc kinh, niệm phật. Gần đây, nhờ có phổ cập internet về tận làng, bà Lan tự mình tìm hiểu và còn tranh thủ sáng sớm tham gia lớp học online với giáo viên tận Hà Nội.

So với những người dân tộc Mường quanh xóm Lòng chỉ biết tới làm nông, trông cháu, cập nhật thông tin trên tivi, đài phát thanh, bà Lan nhanh chóng nắm bắt các thông tin mới nhất trên không gian mạng, tham gia các diễn đàn mạng xã hội.

Theo bà Lan, ở tuổi U80 được cập nhật các thông tin bổ ích bà chia sẻ lại cho con cháu như các thông tin về giáo dục, sức khỏe, các mô hình hay cũng như đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

ba bui thi lan.png
Bà Bùi Thị Lan chia sẻ về hiệu quả của việc tiếp cận các thông tin từ Internet.

Bà Lan cho rằng văn hóa của người Mường rất phong phú và đến hiện tại nhiều phong tục, tập quán của người dân vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, với sự phát triển thông tin hiện đại bản thân bà Lan cũng như cộng đồng người Mường ở Yên Thủy thay đổi để theo kịp xu hướng.

Nhờ đó, cha mẹ cũng cho con em đi học đầy đủ, họ bỏ những suy nghĩ kìm hãm tinh thần ham học, học cao. Con cái được đi học và kết hợp giáo dục của gia đình, nhà trường tạo điều kiện con cái có tương lai xán lạn.

Bà Lan tự làm "mới" mình, tính cách không còn cổ hủ, giúp gia đình hòa thuận, vui vẻ hơn, mang tới giá trị cho cộng đồng, mang lại điều tử tế hơn. 

Nhiều năm nay, UNBD tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để đưa các thông tin tới tận người dân ở các xã nghèo, đồng bào dân tộc, giúp giảm nghèo về thông tin.

Theo mục tiêu phát triển giảm nghèo về thông tin của tỉnh, các hộ dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã nghèo sẽ tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, sản phẩm phát thanh truyền hình và truyền thông trên mạng xã hội.  

Tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hình thức hỗ trợ về mạng thông tin viễn thông đối với hộ nghèo, cận nghèo… Trước đó, các địa phương đã rà soát các hộ gia đình nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ phương tiện nghe nhìn.

Công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo thông tin để người dân được cập nhật tin tức nhanh nhất, xóa khoảng trống “vùng lõm” thông tin nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

Đến nay, toàn tỉnh có 135/151 xã, phường, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, đạt 89,5%. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phổi hợp với các địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản.

Qua đó, góp phần định hướng thông tin, phục vụ nhu cầu hưởng thụ thông tin, giảm tỷ lệ mất cân đối về nhu cầu hưởng thụ thông tin giữa khu vực thành thị và người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Từ đó, người dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực tham gia sôi nổi các mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV