Sau một năm chuẩn bị, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị xuất bản, cuốn sách Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam: Luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử từ hệ thống bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và các tổ chức phương Tây đã chính thức được phát hành.
Đây là công trình đạt giải Nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu Khoa học Euréka năm 2013 (khi Thạc sĩ Hải Lộc còn là sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM) và một số bằng khen khác của TP.HCM. Cuốn sách tổng hợp có hệ thống các bản đồ lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc, của các quốc gia và tổ chức địa lý phương Tây, các châu bản triều Nguyễn... đã được công bố và sưu tập, kết hợp cùng với luật pháp quốc tế - ở đây là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thạc sĩ Trần Mỹ Hải Lộc đã tiết lộ với VietNamNet về nội dung sách cùng những câu chuyện liên quan tới quá trình nghiên cứu, học tập của mình.
- Người trẻ như anh tại sao lại có đam mê nghiên cứu về các vấn đề “khó nhằn” như chủ quyền, ngoại giao?
Tham gia giảng dạy về quan hệ quốc tế nên với tôi, nghiên cứu là niềm đam mê hơn bất kỳ công việc nào khác. Mặc dù kiến thức là vô tận và không ai hoàn hảo, nhưng tôi nghĩ những vấn đề “khó nhằn” như chủ quyền, ngoại giao quốc phòng hay các vấn đề toàn cầu cần được nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn khác nhau để có thể truyền đạt đến mọi người một cách tốt nhất.
Sự phát triển của công nghệ cũng có nhiều bất lợi, chúng ta không thể kiểm soát tất cả mọi thứ trên mạng, người đọc đôi lúc không đủ nhận thức để phân biệt thông tin sai lệch. Vì vậy, nghiên cứu những lĩnh vực này không chỉ nâng cao trình độ mà còn thể hiện lòng yêu nước và hỗ trợ các bạn tổng hợp kiến thức chuẩn nhất liên quan đến các vấn đề chính trị - xã hội.
- Anh nhận định như thế nào về tình yêu nghiên cứu khoa học của sinh viên gen Z?
Nghiên cứu khoa học có thể được xem là một môn “khó nuốt” của các bạn sinh viên. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn thích nghiên cứu như là một thành quả minh chứng cho sự đầu tư vào học tập, thương hiệu bản thân và tiền đề cho ước mơ sau này.
Theo tôi, ở cấp độ đại học, sinh viên không nên chọn những đề tài quá sức “khủng” hay nghe sao cho “oách”. Chọn một vấn đề nhỏ, cơ bản nhưng được nghiên cứu kỹ lưỡng, đúng khoa học thì một lúc nào đó các bạn sẽ đủ sức làm những điều lớn lao.
- Ngoài cuốn sách vừa ra mắt này, Thạc sĩ Hải Lộc sẽ tiếp tục viết và ra sách mới?
Từ đầu năm 2024, tôi may mắn có cơ hội được tham gia viết sách cùng với các giáo sư người Ấn Độ, Ghana và nước ngoài về địa chính trị của châu Phi trước sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn.
Tháng 7 sắp đến, tôi cùng với nhóm nghiên cứu sẽ xuất bản một cuốn sách chuyên khảo về quốc phòng.
Tôi từng ước mơ có được những công trình xuất bản như vậy, không phải nâng tầm bản thân mà để thấy mình không hề sai lầm khi theo đuổi chuyên ngành này. Biết ơn mọi cơ hội để có thể đóng góp những kiến thức nhỏ bé cho cộng đồng.
- Vì sao mỗi người dân Việt cần hiểu rõ về chủ quyền đất nước?
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Và chúng ta có đầy đủ tài liệu, chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định rằng hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Do đó, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân và thế hệ trẻ.
(Ảnh: NVCC)