Với bản lĩnh, truyền thống của "Bộ đội cụ Hồ", cựu chiến binh Phạm Duy Hiền, thôn Mỹ Lộc 3 xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) luôn sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.
Quyết định lịch sử của người nông dân vùng cao
Năm 2005, ông Nguyễn Văn Nghị (52 tuổi, thôn Văn Hưng) gom hết sổ đỏ của gia đình, người thân rồi vay 45 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để nuôi ba ba.
Từ mảnh vườn bao năm trồng cây nông nghiệp, ông san tạo, xây các ao bể để nuôi ba ba. 17 năm trước, việc mang cả bọc tiền lớn dồn vào nuôi ba ba của ông Nghị vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính bố ông, khi cho rằng cây chè, cây lúa vẫn đảm bảo... đủ ăn.
“Vợ chồng tôi mất hai tháng suy nghĩ trước khi quyết định nuôi ba ba”, ông Nghị kể. Khởi nghiệp với 7 cặp ba ba giống, thời gian đầu, quyết định nuôi ba ba của ông gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm và tiềm lực tài chính còn yếu.
Khác với các vật nuôi khác như lợn, gà cứ sau vài tháng có thể xuất bán, giống ba ba phải mất ít nhất 5 năm mới hy vọng thu được những đồng lãi đầu tiên.
Niềm tin của ông Nghị vào giống ba ba gai được củng cố khi ông chịu khó lắng nghe, học tập kinh nghiệm của những người mà ông gọi là “tiền bối” đi trước. Ông còn sang các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La để xem các mô hình nuôi ba ba.
“So với việc trồng cây nông nghiệp, tôi thấy những ai nuôi ba ba đều có đời sống kinh tế khác biệt và vượt trội. Đây là lý do tôi đặt niềm tin rất lớn vào việc sẽ đổi đời từ con ba ba”, ông Nghị lý giải cho quyết định mang tính lịch sử của mình.
Ông đánh giá, địa bàn xã Cát Thịnh hội tụ đủ ba yếu tố gồm thiên thời, địa lợi và nhân hòa để phát triển con giống ba ba. Xã Cát Thịnh được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết, có dòng suối hiền hòa chảy qua hợp với giống ba ba và có những người nông dân cần mẫn, chịu khó, dám chuyển đổi.
Thu nhập tăng theo cấp số nhân
Với cách làm “học của người này một ít, người kia một chút” rồi tích lũy thành kiến thức cho riêng mình, sau 17 năm, từ những mét vuông đầu tiên nuôi ba ba, đến nay gia đình ông Nghị đã mở rộng lên 3.000m2.
Trang trại ba ba của gia đình ông mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 10.000 ba ba giống và duy trì gần 1.000 ba ba bố mẹ. Với giá thị trường dao động từ 100.000-200.000 đồng/mỗi con ba ba giống, khoảng hơn 6 năm nay, gia đình ông thu về hơn một tỷ đồng mỗi năm.
Cuộc sống từ đó thay đổi rõ rệt khi ông Nghị xây được căn nhà khang trang bậc nhất xã, nuôi các con ăn học ở Hà Nội và quyết tâm theo đuổi giấc mơ của gia đình từ việc nuôi ba ba.
Nhìn lại “startup” nuôi ba ba cách đây gần hai thập kỉ, đôi mắt ông Nguyễn Văn Nghị ánh lên niềm hạnh phúc khi đang sở hữu khối tài sản nhiều người mơ ước. Hạnh phúc theo cách hiểu của ông Nghị là kiếm tiền chân chính từ lao động miệt mài mỗi ngày, tìm được hướng đi đúng và ngắm nhìn các con trưởng thành.
Chia sẻ về thu nhập từ việc nuôi ba ba, ông Nghị thẳng thắn cho rằng, từ khi khởi nghiệp đến 5 năm sau đó gần như ông không có lãi. Sau quãng thời gian này, kinh tế gia đình mới từng bước cải thiện.
“So với thu nhập từ trồng chè, nguồn thu từ nuôi ba ba cứ thế tăng lên qua các năm, từ cấp số cộng rồi lên đến cấp số nhân. Đây là lý do tôi dồn toàn lực để nuôi ba ba”, ông Nghị chia sẻ.
Số tiền lãi ban đầu thu được từ việc nuôi ba ba, vợ chồng ông Nghị dồn hết vào việc tái đầu tư.
Theo ông Nghị, có hai hướng nuôi ba ba: nuôi ba ba thịt và nuôi ba ba giống. Gia đình ông chọn hướng nuôi ba ba giống và ông đánh giá đây vẫn là hướng đi đúng đắn.
“Khi cao điểm, giá mỗi con giống ba ba lên đến 700.000-800.000 đồng. Có lúc giá cả đi xuống nhưng vẫn duy trì bình quân ở mức 200.000 đồng mỗi con. Tính ra, xuất bán hơn một vạn con ba ba mỗi năm thu về tiền tỷ là khả thi”, ông nhẩm tính.
Về đầu ra của ba ba, trước đây ông chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần đây ông tiêu thụ chủ yếu tại Yên Bái và các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...
“Giáo sư” ba ba
Sau 17 năm, nối tiếp truyền thống của xã Cát Thịnh, căn nhà của ông Nghị ở thôn Văn Hưng thường xuyên đón những vị khách đến học hỏi mô hình nuôi ba ba.
Lời khuyên của ông Nghị với những người mới khởi nghiệp là làm từng việc thật chắc chắn, không ồ ạt và không dồn toàn bộ tài sản để đặt cược vào con ba ba.
“Đã có nhiều người nuôi ba ba thất bại do biến động thị trường. Nếu dồn tổng lực nuôi trong điều kiện thị trường đi xuống như hiện tại thì rất dễ nản và thất bại”, ông Nghị cho hay.
Dù sở hữu gia sản tiền tỷ, nhưng mỗi ngày của tỷ phú Tây Bắc này bắt đầu từ 5h sáng với việc thăm ao nuôi, làm thức ăn rồi cho ba ba ăn. Công việc không khó, nhưng vì tính cách cẩn thận và tâm huyết nên với ba ba giống, ông Nghị vẫn tự tay chăm sóc.
“Sáng nào tôi cũng dậy sớm để bới trứng, ấp trứng,... Khi mọi việc đã xong, tôi thường nán lại xem ba ba ăn thế nào, mồi hợp khẩu vị chưa”, ông Nghị kể và cho biết, nuôi ba ba phải tỉ mỉ, cặn kẽ mới mong thành công.
Kinh nghiệm từ nuôi ba ba thành công, nhiều người dân trong vùng gọi ông Nghị là “giáo sư” ba ba.
Gần 20 năm qua, nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên các bệnh thông thường của ba ba, ông đều biết và xử lý được. Ví như, ba ba có các bệnh phổ biến như nấm ngoài da hoặc mắc bệnh do ăn phải đồ ôi thiu... ông Nghị sáng tạo ra cách đặt bùi nhùi và bèo để ba ba có chỗ trú và làm sạch nước.
Thống kê của UBND huyện Văn Chấn cho thấy, toàn huyện hiện nay có hơn 250 hộ nuôi ba ba. Trong đó, hơn 10 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Nuôi ba ba trở thành lĩnh vực mũi nhọn của địa phương. Huyện đang vận động các hộ dân đầu tư và liên kết để giúp đỡ, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô chăn nuôi.