Nho gắn mác Ninh Thuận, dâu tây Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt

Gần đây, những chùm nho có màu xanh bắt mắt, giòn, ngọt có mặt khắp chợ, trên các tuyến đường Hà Nội với giá chỉ 35.000-45.000 đồng/kg. Tiểu thương cho biết đây là nho Ninh Thuận chính gốc, nhưng thùng hàng lại in chữ Trung Quốc.

Là người gốc Ninh Thuận và trồng nho từ năm 2006 đến nay, anh Nguyễn Đức Thấn khẳng định trên Báo Dân Việt: “Nho xanh Ninh Thuận hiện bán tại vườn đã có giá từ 45.000-50.000 đồng/kg do vào trái vụ nên nếu vận chuyển ra Hà Nội và bán cho người tiêu dùng thì giá phải từ 70.000-100.000 đồng/kg”.

{keywords}
Nho xanh không hạt được người bán quảng cáo là nho Ninh Thuận.

Trong khi đó, dâu tây Trung Quốc gắn mác Đà Lạt đang được bày bán rất phổ biến trên đường phố với giá rẻ giật mình. Giá rẻ nên loại dâu này rất đắt khách.

Trứng ba ba bán theo cân, chị em mua về tẩm bổ cho chồng

Bên cạnh thịt ba ba, trứng ba ba hiện được coi là nguồn thực phẩm dễ ăn, có thể chế biến thành nhiều món như luộc, nhúng lẩu, chưng mắm, ngâm rượu,... Loại trứng này có màu trắng, nhỏ hơn trứng cút, khi luộc chín lòng trắng vẫn không đông cứng như trứng gà, trứng vịt mà lỏng và trong như thạch, lòng đỏ ăn ngậy ngậy, bùi bùi.

Được quảng cáo như “thần dược” rất tốt cho sức khỏe, trứng ba ba đang được bán trên chợ mạng với giá khá rẻ, từ 210.000 đồng/kg hoặc combo 60.000 đồng/20 quả, 110.000 đồng/50 quả.

Cua núi đá ăn lá rừng, đặc sản Hà Giang, giá 200.000 đồng/kg

Cua đá ở vùng cao Hà Giang thường sống trong các hốc đá trên suối. Loại cua này có hình dáng giống cua đồng, song kích cỡ lớn hơn nhiều. Có những con lớn bằng nắm tay hoặc cái chén.

{keywords}
Cua đá Hà Giang.

Do sống trên núi nên cua đá chạy rất nhanh và bò khỏe. Thức ăn của chúng là côn trùng và lá rừng, thịt rất chắc, ngọt, thơm và có vị hấp dẫn riêng. Loại cua này rất hiếm, số lượng có hạn. Cua núi đá được bán với giá 150.000-220.000 đồng/kg.

Hạt dổi Tây Bắc 2 triệu đồng/kg vẫn được săn lùng

Tháng 10-11 Dương lịch là mùa của những hạt dổi rừng chín. Khi ấy, bà con Tây Bắc lại vào rừng nhặt hạt dổi về ăn hoặc bán. Loại hạt gia vị này được dùng ướp thịt và làm muối chấm thức ăn. Những năm gần đây, hạt dổi được xem như đặc sản, giá tăng cao.

Hạt dổi có 2 loại là nếp và tẻ. Dổi nếp hạt nhỏ, có màu vàng và đen, ăn rất thơm, hiện có giá 200.000-300.000 đồng/lạng. Hạt dổi tẻ có màu đen nhưng không thơm bằng, giá chỉ 150.000-180.000 đồng/lạng.

Cẩn trọng với gà ủ muối giá rẻ

Gà ủ muối đang "gây sốt" do có màu sắc hấp dẫn, dễ ăn, tiện dụng và giá rẻ. Hiện gà ủ muối được bán chủ yếu qua Facebook. Giá thành các loại gà ủ muối có sự chênh lệch đáng kể, từ 65.000-350.000 đồng/con tùy vào kích thước và số lượng.

{keywords}
Gà ủ muối.

Chị Ngọc Lan (một đầu mối gà ủ muối) cho biết trên Báo Gia đình & Xã hội: Gà ủ muối được phân làm nhiều loại nhưng cơ bản là gà không đầu, không cánh và gà có đầy đủ bộ phận. Với loại không đầu không cánh chủ yếu là gà thải loại từ Hàn Quốc. Đáng lo ngại, hầu hết các loại gà ủ muối đều được đổ mối bán lẻ, giao hàng tận nơi và không có nhãn mác. Đặc biệt, gà ủ muối không cần chế biến lại khiến người tiêu dùng dễ đối mặt với các nguy cơ.

Trà sen Hồ Tây giá 10 triệu đồng/kg, củ sen 50.000 đồng/kg

Trà sen Tây Hồ được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, là loại trà tinh tế nhất của Việt Nam mà không nước nào trên thế giới có được. Thời điểm này, trà sen đã qua vụ chính nên thuộc hàng cực hiếm, để sở hữu 1 kg trà này đại gia phải trả thêm tiền và chỉ mua được số lượng giới hạn. Trà sen Hồ Tây thượng hạng hiện có giá 7-10 triệu đồng/kg.

Còn củ sen tươi chế biến được rất nhiều món ăn, lại có nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được nhiều gia đình ưa chuộng. Giá củ sen tại đầm ở Hà Nội hiện chỉ 50.000 đồng/kg. Khi mua củ sen, nên chọn những củ to mập, cầm lên thấy chắc và nặng tay, màu nâu nhạt.

Hộc đá giấu tiền gây sốt

Trên một ứng dụng thương mại điện tử, sản phẩm “Hộc đá làm ngăn chứa bí mật độc đáo” được bán với giá 72.000 đồng. Theo giới thiệu, sản phẩm này làm từ nhựa, giả đá, bên trong có một ngăn chứa đồ nhỏ như chìa khóa,... Sản phẩm này đang gây sốt. Một số thành viên cho rằng, dù giá rẻ nhưng đây là sản phẩm hữu hiệu để “giấu tiền”.

{keywords}
 

Trên sàn thương mại điện tử, ngoài các sản phẩm thông thường, nhiều đồ độc, lạ từng bán gây chú ý như lá bàng, xỉ than tổ ong, vỏ trấu... 

Cau tươi tăng giá 4 lần, nông dân sợ không dám bán

Những ngày này, trên khắp thôn, xóm của huyện An Lão, tỉnh Bình Định, hoạt động thu mua cau tươi đang diễn ra sôi nổi.

Giá cau tươi tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Cau quả loại tốt có giá 24.000 đồng/kg, còn cau non giá bán thấp hơn vài nghìn đồng. Nhiều thương lái đặt tiền cọc trước cho chủ vườn, mua luôn cả cau non... Nhưng không như mọi năm, người dân năm nay không bán cau non mà canh giữ đến kỳ thu hoạch mới hái bán để được giá hơn.

Gom hoa gừng xuống phố bán thu tiền triệu mỗi ngày

Gừng được trồng để lấy củ làm gia vị nấu ăn. Song, từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 Âm lịch hàng năm, người trồng gừng còn thu hoạch hoa đem bán. Mấy năm nay, loại hoa đặc sản ở các tỉnh miền núi xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội.

{keywords}
Hoa gừng.

Hoa gừng đang được rao bán tràn “chợ mạng”, giá từ 40.000-60.000 đồng/kg. Tại các khu chợ đầu mối online, hoa gừng được rao bán giá 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại. Các bà nội trợ chuộng mua loại hoa đặc sản này về ăn, cắm ở trong nhà tạo mùi hương thư thái. Nhờ đó, dân buôn hoa gừng có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Trái cây đồng loạt tăng giá kỷ lục

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 9, giá một số loại trái cây trong nước có xu hướng tăng - giảm trái chiều, song phần lớn đều có chiều hướng tăng mạnh, thậm chí giá mít Thái tăng kỷ lục, có thời điểm lên đến gần 70.000 đồng/kg.

Các loại trái cây như chanh leo, bưởi, thanh long, dừa tươi,... ồ ạt xuất sang châu Âu theo hiệp định EVFTA.

Hoa đậu biếc khô giá gần 1 triệu/kg

Hoa đậu biếc là loại cây leo thường được trồng ở bờ rào, trước hiên nhà lấy bóng mát,... nay trở thành loại hàng hóa vô cùng đắt đỏ. Hoa đậu biếc tươi giá 250.000-300.000 đồng/kg, khô tới 500.000-800.000 đồng/kg.

{keywords}
Hoa đậu biếc tươi.

Hoa đậu biếc khô thường dùng để làm trà, làm đẹp, chống lão hóa. Nhiều người còn sử dụng hoa này để tạo màu cho thực phẩm như: xôi, làm bánh, trà sữa, kem, nấu chè,...

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)