Bà Trinh - vợ Giáo sư Tô Ngọc Thanh xác nhận với VietNamNet ông vừa qua đời lúc 8h32' sáng 24/4. Khi biết tin, nhiều học trò đã tỏ lòng thương tiếc một tài năng hiếm có như ông.
Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh là con trai của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân - một bậc thầy tài hoa của nền hội họa đương đại Việt Nam. Ông Tô Ngọc Thanh nhận bằng Tiến sĩ năm 1978, bằng Tiến sĩ Khoa học năm 1987. Ông được phong Phó Giáo sư năm 1984 và trở thành Giáo sư từ năm 1991. Giáo sư Tô Ngọc Thanh được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh là người có công lao trong việc sáng lập, viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy bộ môn Bảo tồn Âm nhạc Dân tộc Cổ truyền Việt Nam. Ông từng giữ nhiều chức vụ tại Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật, Hội văn Nghệ Dân gian Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
Đó là: Công trình Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969); Tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971); Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979); Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); Fôn-clo Bâhnar (1988); Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995); Tư liệu Âm nhạc cung đình Việt Nam (2000); Ghi chép về văn hóa và âm nhạc...
Giáo sư Tô Ngọc Thanh nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Đây là những công trình khoa học thể hiện sự am hiểu sâu rộng, có bề dày trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của ông.