Tuyến bài "Nhà sư viết sách chữa lành tâm hồn" sẽ kể về những tác giả đặc biệt. Họ khoác áo nâu sồng, học đạo Giải thoát của Đức Phật nên có cái nhìn về cuộc sống một cách thiền vị, tỉnh thức. Những tác phẩm của họ có thể là “liều thuốc” giúp độc giả vượt qua chướng ngại, phiền não trong cuộc sống, công việc, tình yêu hay những khó khăn tự thân nhờ cảm nhận sâu sắc và cùng thực hành.
Chinh phục giới hạn bản thân
Với chuyên môn của một cử nhân văn học Sư cô Nhuận Bình viết 2 tập truyện, trong vai trò một người thực tập lời Phật dạy, cô viết 7 cuốn sách mang sắc màu “thiền quán” - nhìn sâu vào nội tâm và những biểu hiện của cuộc sống quanh mình. Thật vui là những tác phẩm đó bán chạy và tái bản nhiều lần.
Xuất thân là cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm chuyên ngành Ngữ văn, Sư cô Nhuận Bình cho biết rất yêu thích văn học, muốn được khám phá, trải nghiệm, thử thách và chinh phục giới hạn của bản thân.
Năm 2017, sau khi nhận được sự động viên, truyền cảm hứng từ các chuyên gia, nhà giáo, cô đã bắt tay thực hiện tác phẩm đầu tiên - truyện ngắn và truyện vừa Giữa đôi dòng.
Tác phẩm đầu tay ra đời nhận được nhiều sự ủng hộ, cổ vũ của Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc các giới. Bên cạnh đó, những bài viết ngắn, chia sẻ về kỹ năng sống được sư cô đăng trên các trang mạng xã hội cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ bạn đọc.
“Thời gian qua, tôi tự nhiên trở thành nơi gửi gắm những tâm sự thầm kín, những chia sẻ từ áp lực cuộc sống, những tổn thương trong tâm hồn, về gia đình, tình yêu, hôn nhân, công việc, bạn bè… Tất cả mảnh ghép không hoàn hảo từ cuộc sống đã trở thành động lực giúp tôi có niềm cảm hứng tạo nên những cuốn sách 'khâu vá', chữa lành vết thương lòng của nhân sinh”, Sư cô Nhuận Bình bày tỏ.
Nhiều độc giả cho hay, khi lật từng trang sách của sư cô, mọi người sẽ tìm thấy chính mình từ trong những con chữ được tác giả trân trọng đặt để vào đó.
Sư cô cho biết, đã viết sách bằng chính tâm huyết và sự trân trọng đặc biệt dành cho độc giả. Mỗi tác phẩm ra đời đều mang theo các mảng màu thi vị từ cuộc sống. Đó là những trải nghiệm, những câu chuyện, những kỷ niệm liên quan đến từng mảnh đời chân thực.
Nói về hành trình của mình, Sư cô Nhuận Bình tâm sự, do không có một xuất phát điểm thuận lợi, nên quá trình học hành của bản thân khá gian truân. Để đi đến được ngày hôm nay, cô đã trải qua nhiều thử thách nên cũng rất thương và đồng cảm với các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
“Do vậy, tôi đã phát nguyện, dùng toàn bộ số tiền phát hành sách trao tặng học bổng và dụng cụ học tập đến các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Mong các em luôn vững tâm, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp tìm kiếm con chữ để đạt được giấc mơ, xây dựng tương lai tươi sáng cho chính mình”, sư cô bày tỏ.
Chất liệu bình an
Sư cô Nhuận Bình cho rằng, muốn chữa lành những vết thương lòng của nhân sinh, nhất định tâm mình phải thảnh thơi, vững chãi. Thân có khỏe, tâm mới an. Thân không khỏe, tâm cũng bất an. Do vậy, dù bận rộn đến đâu, mỗi ngày cô đều dành thời gian thực tập thiền. Khi nội tâm có sự tu dưỡng, mới mang năng lượng yên bình chữa lành thương tổn cho nhân sinh.
Khi bạn đọc tìm đến với cô là lúc trái tim họ đã mang nhiều vết cắt vụn vỡ, những áp lực về kinh tế, gia đình, sự nghiệp, đời sống hôn nhân bấp bênh. Nếu nội tâm tác giả không đủ an yên rất khó để mang bình an lấp đầy khoảng trống khổ đau trong họ.
Sư cô Nhuận Bình đang tiếp tục viết ấn phẩm thứ 10 dòng sách tỉnh thức, chữa lành. Tất nhiên, để viết được sách phải đọc sách. Khi dự định viết một tác phẩm, sư cô phải đọc rất nhiều ấn phẩm khác.
“Tôi là một người có niềm đam mê đọc sách. Sách là người bạn, cũng là người thầy. Ngoài kiến thức, trí tuệ, sách còn giúp độc giả mở rộng dung lượng trái tim, có đời sống nội tâm sâu sắc, tầm nhìn thông suốt”, cô nhận định.
Theo Sư cô Thích nữ Nhuận Bình, đừng chỉ dành thời gian chinh phục tiền bạc, danh vọng mà hãy đọc sách thật nhiều để trở thành người thông thái. Đặc biệt, cần mạnh dạn viết ra tất cả những gì bản thân thấu tỏ và tâm đắc. Chưa bàn đến viết hay, viết xuất sắc. Chỉ cần viết ra, mình đọc mình hiểu thì người khác sẽ hiểu.
Tác giả Nhuận Bình khẳng định, viết nhiều sẽ có kinh nghiệm, tự rèn luyện và trau dồi: “Đường không đi đường mọc đầy cỏ dại, người sợ thất bại sẽ không bao giờ thành công. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, dù xa hay gần, nhanh hay chậm, rồi sẽ đến đích”.
Có tác phẩm “khai sinh” từ bệnh viện dã chiến
Là người trực tiếp chăm sóc hàng ngàn bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến hơn 3 tháng liền, cô cho biết đó là thời gian khó quên. Ở đó, có niềm vui đoàn tụ, niềm hạnh phúc sum vầy, có những nỗi đau chia ly và tổn thương mất mát. Cười nhiều, khóc cũng rất nhiều.
“Chính từ nơi này tôi đã trưởng thành hơn, thông suốt nhiều và nhìn cuộc đời dưới lăng kính vô thường, biến chuyển, tự tại và an nhiên”. Dù ở đêm ngày trong bệnh viện, điều mầu nhiệm là cô không bị nhiễm Covid-19, bình an vượt qua mùa dịch.
Tác giả cho biết, hai tác phẩm Một kiếp nhân sinh và Nơi khát vọng nảy mầm chính là những trải nghiệm từ góc nhìn thực tế về đại dịch và kiếp sống con người.
“Đứng bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, tôi có cơ hội nhìn sâu, hiểu thấu chính mình”, cô trải lòng. Dù là người xuất gia, mỗi ngày tương dưa đạm bạc, cô khẳng định không quên lời nguyện “sáng tặng người niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”. Chỉ cần việc làm nào cứu được mạng sống của nhân sinh, đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc và bình an cho họ thì dẫu áo nâu sồng bên trong hay đồ bảo hộ bên ngoài cũng chỉ mang một nghĩa cử “vị nhân sinh”.
Tác giả Nhuận Bình thấy ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh, bởi theo các vị quản giáo tại Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai thì tác phẩm Nơi khát vọng nảy mầm đã trở thành cuốn sách truyền cảm hứng, năng lượng sống tích cực cho hàng ngàn phạm nhân và học viên tại đây.
“Xuyên suốt mùa đại dịch, không biết gì về thế giới bên ngoài, cuốn sách chính là bức tranh tổng thể giúp họ hiểu sâu, nhìn thấu về đại dịch kinh hoàng. Họ đã trưởng thành, suy nghĩ chín chắn, biết trân trọng cuộc sống, sinh mạng và có ý thức cải tạo, làm mới cuộc đời, mong muốn mai sau trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội”, sư cô xúc động nói.
Gửi gắm đến độc giả, Sư cô Nhuận Bình khẳng định, viết sách và đọc sách, chính là việc làm hữu ích, truyền cảm hứng sâu sắc đến muôn người.
(Ảnh: NVCC)
Bài 4: Nhà sư in tác phẩm đầu tay phát hành đến 100.000 bản