Khi đang làm giáo viên dạy Toán tại một trường THPT, cô H. viết đơn xin nghỉ do công tác xa nhà và chịu nhiều áp lực. Cuộc trò chuyện với giám đốc sở GD-ĐT đã thay đổi ý định của nữ giáo viên.
Lời tòa soạn
Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn, số giáo viên nghỉ việc liên tục tăng. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thái Nguyên, Gia Lai... là những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất. Tuyến bài Thiếu giáo viên - bài Toán khó đầu năm học mới của VietNamNet sẽ phản ánh vấn đề này, quý độc giả có thể theo dõi:
Những ngày đầu năm học mới, nhiều địa phương trên cả nước đang “đau đầu” về tình trạng thiếu giáo viên. Tại tỉnh TT-Huế, theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT, từ đầu năm 2023 đến nay, có 127 giáo viên xin nghỉ công tác. Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh có 81 trường hợp nghỉ việc.
“Mỗi trường hợp xin nghỉ dạy đều có những lý do riêng. Giáo viên nghỉ việc dù vì lý do gì cũng khiến chúng tôi rất buồn lòng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã quay lại nghề, yêu nghề hơn sau khi có những buổi gặp gỡ, chia sẻ với lãnh đạo”, ông Tân cho biết.
Từ kết nối của vị Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với cô Trần Thị H. – một nữ giáo viên từng có ý định rời bỏ công việc "gõ đầu trẻ". Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán tại Trường ĐHSP Huế, cô H. được tuyển dụng và phân công về giảng dạy tại một trường THPT miền núi tại TT-Huế.
Hơn 15 năm giảng dạy tại trường, cô H. luôn được đánh giá là nữ giáo viên có chuyên môn tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, do áp lực phải đi dạy xa nhà, nguồn thu nhập thấp, một thời gian sau, cô bắt đầu cảm thấy chán nản.
“Đặc biệt, thời điểm trường có sự chuyển giao ban giám hiệu, giữa cá nhân tôi và lãnh đạo mới có sự bất đồng trong công tác giảng dạy. Vì thế, tôi viết đơn gửi lãnh đạo trường và sở GD-ĐT để xin nghỉ việc. Sau đó, tôi dự định sẽ ở nhà mở một quán tạp hoá nhỏ, buôn bán lo cho cuộc sống gia đình”, cô H. tâm sự.
Điều khiến nữ giáo viên này bất ngờ là chỉ ít ngày sau đó, cô nhận được cuộc gọi của ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế. Qua điện thoại, ông Tân mời cô đến trụ sở của đơn vị để giải quyết đơn xin nghỉ việc.
“Đây là điều bất ngờ với một giáo viên bộ môn, không giữ chức vụ như tôi. Bởi theo thông lệ, chỉ cần giáo viên viết đơn, trường sẽ gửi cho phòng Tổ chức cán bộ của sở GD-ĐT xử lý và thông báo lại cho chúng tôi kết quả”, cô H. nói thêm.
Nhớ lại buổi gặp với lãnh đạo sở, cô H. cho biết, khi vừa bước vào phòng, cô đã thấy lá đơn xin nghỉ việc của mình nằm trên bàn.
“Anh Tân (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế) không đi ngay vào những nội dung tôi viết trong đơn mà hỏi về hoàn cảnh gia đình, về công tác giảng dạy của tôi ở trường. Lãnh đạo sở vẫn cảm nhận được tôi còn nhiệt huyết với nghề.
Sau khi tôi trình bày, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế phân tích “nút thắt” ở đây là do hoàn cảnh gia đình của giáo viên, phải đi dạy xa nhà và một số bất đồng với lãnh đạo trường khiến tôi phải xin nghỉ việc. Điều này lãnh đạo ngành giáo dục có thể xử lý”, cô H. nhớ lại.
Cũng theo nữ giáo viên này, sau khoảng 30 phút trò chuyện cởi mở với giám đốc sở, cô thay đổi ý định xin và bày tỏ mong muốn được chuyển về dạy tại một trường gần nhà để có điều kiện, thời gian chăm sóc gia đình.
Xem xét các quy định, nguyện vọng của nữ giáo viên nhanh chóng được lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế chấp nhận. Cũng từ đó, cô H. ổn định công tác tại một ngôi trường mới và nhiều năm liền đạt thành tích giáo viên dạy giỏi của trường.
'Hiến kế' giải bài toán giáo viên xin nghỉ việc
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Tân cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc nhưng phần lớn là do áp lực công việc và chế độ chính sách, thu nhập chưa đáp ứng đời sống sinh hoạt. Một số giáo viên khác nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân, như lấy chồng xa, đoàn tụ với người thân ở nước ngoài...
"Tôi đã gặp, chia sẻ với khoảng 7 - 8 trường hợp như cô H. và có một điều tuyệt vời, sau đó các thầy cô đều toàn tâm quay lại gắn bó với ngành", Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế cho biết.
Theo ông Tân, căn cứ vào các quy định hiện hành, một giáo viên được vào công nhận công tác trong ngành phải trải qua các quy trình tuyển dụng, sử dụng và chịu sự luân chuyển, điều động của lãnh đạo.
Trước thực trạng giáo viên xin nghỉ dạy nhiều, thời gian qua, ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng, hỗ trợ cho giáo viên, ngành giáo dục tỉnh TT-Huế cũng đưa ra các giải pháp hữu hiệu với phương châm “tạo động lực, giảm áp lực” để giáo viên toàn tâm, toàn ý gắn bó với ngành.
“Theo đó, sở sử dụng 3 phương pháp để giải bài toán giáo viên đồng loạt xin nghỉ việc. Cụ thể, ngay từ khi tuyển mới, chúng tôi căn cứ vào nguyện vọng của các ứng viên được tuyển dụng để bố trí, sắp xếp công việc thuận lợi.
Tiếp đó, hàng năm, đơn vị đều tiến hành rà soát, thực hiện thuyên chuyển, hoán đổi vị trí theo hướng địa phương hoá, giúp giáo viên có cơ hội được đi dạy gần nhà. Những năm qua, hơn 20 trường hợp đã được sở bố trí công việc theo phương pháp này.
Ngoài ra, khi tiếp nhận các đơn xin nghỉ của giáo viên, sở GD-ĐT tỉnh cũng yêu cầu phòng Tổ chức cán bộ rà soát, lập kế hoạch và mời những người này đối thoại, chia sẻ trực tiếp với lãnh đạo đơn vị”, ông Tân cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, các phương pháp trên không chỉ mang lại hiệu quả, truyền thêm động lực cho giáo viên gắn bó với ngành mà qua các buổi nói chuyện, cũng giúp lãnh đạo sở nắm bắt thêm tình hình tại các cơ sở giáo dục, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, sát với thực tế.
Đầu năm học mới, hầu hết các tỉnh, thành thiếu giáo viên. Hai địa phương thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội với số thiếu khoảng 9.000 - 10.000 người. Dù đã tuyển mới được hơn 17.000 người, cả nước vẫn thiếu 118.000 giáo viên, chủ yếu ở mầm non. Số thiếu tăng thêm hơn 11.000 người so với năm ngoái.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Thanh Hóa vào tháng 7/2023 vừa qua, tỉnh này còn thiếu 10.256 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 353 người; Tin học thiếu 690 người, Âm nhạc thiếu 72 người và Mỹ thuật thiếu 277 biên chế.
Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết, đơn vị luôn thống kê, rà soát, báo cáo theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc bổ sung biên chế hay không là do cấp trên phê duyệt.
Cũng theo ông Thức, trong trường hợp chờ đợi bổ sung, trước mắt, sở sẽ triển khai tham mưu ký hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ. Theo đó, sở bố trí giáo viên dạy liên trường, biệt phái, tăng tiết, tăng giờ… để cân đối giáo viên hợp lý nhất trong điều kiện có thể. Về lâu dài, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đặt hàng nguồn tuyển theo Nghị định 116 để luôn luôn có nguồn tuyển, đảm bảo số lượng giáo viên.
Bộ GD-ĐT vừa trả lời những băn khoăn của giáo viên về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương chưa tương xứng giữa bậc mầm non và phổ thông.
Lương và phụ cấp thấp dẫn đến tình trạng giáo viên không yên tâm công tác. Nhiều nhà giáo bày tỏ mong mỏi Bộ trưởng GD-ĐT có giải pháp nâng cao thu nhập cho đội ngũ, nhằm đảm bảo cuộc sống.