Sự thiếu hụt giáo viên khá trầm trọng ở nhiều địa phương khi bắt đầu năm học mới ngoài nguyên nhân nhu cầu về giáo viên tăng lên do thực hiện Chương trình giáo dục mới, còn có một nguyên nhân nữa là chỉ trong một năm vừa qua đã có rất nhiều giáo viên từ bỏ công việc trên bục giảng.
3 nguyên nhân khiến 1% giáo viên nghỉ việc
Chia sẻ với VietNamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện, Bộ GD-ĐT đang tiến hành cập nhật tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong năm học 2021-2022.
"Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này cho thấy, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chiếm tỷ lệ khoảng trên 1% so với tổng số giáo viên mầm non và phổ thông trong cả nước" - ông Đức thông tin.
Phân tích số liệu cũng cho thấy, số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP.HCM, Hà Nội Đà Nẵng, Bình Dương… Những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn như Sơn La, Gia Lai… cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều hơn một chút so với các địa phương khác.
"Tỷ lệ này so với các ngành nghề khác tuy không quá bất thường nhưng lãnh đạo ngành giáo dục hết sức trăn trở" - ông Đức chia sẻ.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra giữa tháng 8 vừa qua, tính đến năm học vừa qua có 1,6 triệu giáo viên các cấp. Như vậy, 1% giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tương đương với khoảng 16 nghìn người. Cụ thể, tại một số địa phương như TP.HCM, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022 trong số 5.501 viên chức nghỉ việc thì lĩnh vực giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất với 2.436 người; Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 ở Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc; Theo Sở Nội vụ Đồng Nai, từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục có 1.218 giáo viên xin nghỉ... |
Theo ông Đức, việc giáo viên chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.
Thứ nhất là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống; trong khi đó ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới là khá dễ dàng do nhu cầu lao động lớn của các doanh nghiệp.
Thứ hai là một số thầy cô dù gắn bó nhiều năm trong ngành nhưng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục thì khả năng đáp ứng còn hạn chế (khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy…) nên cảm thấy bị áp lực. Một số thầy cô lớn tuổi, có sức khỏe không tốt cũng muốn nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn… Đối với giáo viên mầm non còn có lý do thời gian lao động trong ngày rất dài, cộng thêm áp lực từ phụ huynh và xã hội rất lớn.
Thứ ba, một số giáo viên được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn nhiều thiếu thốn, đường xá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc quan tâm, chăm sóc gia đình. Vì vậy số giáo viên này thường chuyển sang làm công việc khác ở gần gia đình hơn.
Đề nghị chính sách lương mới và giảm áp lực cho giáo viên
Ông Đức cho hay, Bộ trưởng nói riêng và Bộ GD-ĐT nói chung rất quan tâm đến vấn đề giáo viên nghỉ/bỏ việc. Chính vì vậy Bộ đang tập trung tổng hợp, tìm hiểu thêm các nguyên nhân để từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để động viên, tạo sự gắn bó với nghề của nhà giáo.
"Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng" - ông Đức thông tin.
Theo ông Đức, Bộ GD-ĐT đã có những văn bản hướng dẫn liên quan đến nhiệm vụ của giáo viên. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên giảm bớt các công việc không đúng với chuyên môn của mình, giảm bớt áp lực không đáng có; tiếp tục rà soát các hội thao, hội thi, các hoạt động mang tính phong trào để tránh giáo viên phải tham gia nhưng không mang lại lợi ích thiết thực cho nghề nghiệp của mình và sẽ quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
“Cá nhân tôi rất chia sẻ với các thầy cô giáo vì những khó khăn cả trong công việc và trong cuộc sống. Về phía Bộ, chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu và đề xuất các giải pháp về chính sách đối với nhà giáo phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong, các thầy cô khi đã xác định chọn nghề nhà giáo - một nghề rất đặc thù, thì ngoài yếu tố về thu nhập, các thầy cô cũng luôn giữ cho mình tình yêu, sự tâm huyết với công việc giáo dục, dìu dắt thế hệ trẻ để có thêm động lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với nghề” - ông Đức bày tỏ.