LTS: Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030, cụ thể tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8 tháng 9 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng. TS Nguyễn Thế Dương (trường Yêu Tiếng Việt – Brisbane – Australia) đã có chia sẻ về việc khuyến khích giảng dạy và phổ biến tiếng Việt cho con em kiều bào.
Tiếng Việt – ngôn ngữ cội nguồn gắn kết trẻ em với quê hương
Cùng với sự phát triển của người Việt trong nhiều thập kỉ vừa qua, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ cội nguồn hay ngôn ngữ di sản (heritage language) trong các cộng đồng gốc Việt tại nhiều quốc gia. Chẳng hạn tại Úc, theo số liệu thống kê vừa được công bố trong cuộc Tổng điều tra dân số năm 2021, tiếng Việt vươn lên trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ ba ở Úc không kể tiếng Anh, chỉ sau tiếng Quan Thoại, và tiếng Ả Rập với 320.758 (1,26%) người sử dụng. Ngày càng có nhiều trẻ em gốc Việt sinh ra tại Úc hoặc theo cha mẹ sang định cư tại Úc từ nhỏ. Với các trẻ em này, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ cội nguồn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi thế của song ngữ. Những cá nhân có trình độ song ngữ cao hơn thường thể hiện năng lực giải quyết vấn đề xung đột và khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ một lúc tốt hơn. Trẻ em lớn lên nói được một ngôn ngữ thứ hai cũng có nhiều lợi thế về cơ hội nghề nghiệp và cá nhân hơn. Đồng thời, ngôn ngữ cội nguồn cũng là thứ kết nối mỗi chúng ta với cội nguồn và bản sắc không thể thay thế của mỗi người.
Ngôn ngữ cội nguồn luôn vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía ngôn ngữ chiếm ưu thế. Hệ quả là, việc mai một ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ cội nguồn là một thực tế hiển hiện với trẻ em song ngữ. Các trẻ em Việt cũng không phải là ngoại lệ.
Theo kết quả khảo sát từ 529 học sinh tại trường Yêu Tiếng Việt (Brisbane – Úc) từ hơn 30 quốc gia khác nhau thì chỉ có 21,2% học sinh là thường xuyên nói tiếng Việt ở nhà. Con số học sinh nói tiếng Việt ở nhà ở mức độ “thỉnh thoảng” cao hơn một chút với 25,9%. Số lượng đông nhất thuộc về nhóm các học sinh nghe hiểu được tiếng Việt nhưng thường chỉ sử dụng ngôn ngữ ở nước mà các em đang sống để giao tiếp chiếm 37,7%. 16% học sinh hoàn toàn chưa biết tiếng Việt.
Số liệu về năng lực đọc viết tiếng Việt còn đáng chú ý hơn. Có đến 65,5% học sinh đăng kí học tại trường Yêu Tiếng Việt nói rằng các em hoàn toàn không biết đọc và viết tiếng Việt. Số lượng các em đọc viết tốt tiếng Việt chỉ chiếm 3,8%, trong khi các em biết đọc và biết viết chưa thành thạo là 30,7%.
Kết quả này phản ánh một thực tế rằng, tiếng Việt, với tư cách là một ngôn ngữ cội nguồn, đang chịu nhiều sức ép từ các ngôn ngữ bản địa. Trẻ em Việt ở nước ngoài có khuynh hướng sử dụng tiếng bản địa thường xuyên hơn trong tương tác hàng ngày tại gia đình, bất chấp việc nhiều em có thể nghe hiểu được tiếng Việt. Điều đáng nói là phần lớn các em học sinh sử dụng tiếng Việt thường xuyên ở nhà là các em sinh ra ở Việt Nam và mới sang nước ngoài định cư cùng cha mẹ hoặc sang nước ngoài khi vốn tiếng Việt đã phát triển ổn định (từ 5-6 tuổi trở lên). Ngược lại, phần lớn trong số các em không biết nói tiếng Việt đều không sinh ra ở Việt Nam và/hoặc gia đình có cha hoặc mẹ không phải là người Việt.
Làm thế nào để giữ tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài?
Để giữ được tiếng Việt cho trẻ Việt tại nước ngoài, điều đầu tiên cần làm là duy trì việc giao tiếp tiếng Việt với trẻ tại nhà. Theo nguyên tắc chung, trẻ em cần được nghe một ngôn ngữ ít nhất 20-30% thời gian để sử dụng được nó. Khi sử dụng ngôn ngữ cội nguồn thường xuyên ở nhà, cha mẹ đang gửi gắm một thông điệp đến con rằng ngôn ngữ đó rất quan trọng. Cha mẹ nên nói chuyện với con trẻ bằng tiếng Việt về nhiều chủ đề trong đời sống, về những câu chuyện văn học, lịch sử giúp hình thành tình yêu với văn hóa Việt. Cha mẹ cũng nên dành thời gian để hát ru, đọc truyện, đọc thơ... cho con nghe bằng tiếng Việt ngay từ khi còn nhỏ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cân nhắc đến việc gửi con học tiếng Việt tại các trường tiếng Việt có uy tín và chất lượng tốt. Nếu gần nơi ở không có trường tiếng Việt hoặc phụ huynh không có thời gian để đưa con đến các trường học thì việc học trực tuyến là một lựa chọn không thể ổn hơn. Với các công nghệ hiện đại hiện nay thì việc học trực tuyến giúp cả phụ huynh và học sinh tiết kiệm được thời gian, công sức đưa đón, mặt khác lại giúp các em có điều kiện được học tiếng Việt và giao lưu với nhiều bạn nhỏ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, trong khi phụ huynh dễ dàng kiểm soát được chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh.
Việc ghé thăm cộng đồng và những nơi sử dụng tiếng Việt như nhà hàng, khu chợ, các sự kiện cộng đồng cũng là một cách thức hiệu quả để giữ tiếng Việt. Điều đáng mừng là hiện có rất nhiều các sự kiện sinh hoạt cộng đồng của người Việt trên khắp thế giới được tổ chức thường xuyên, đặc biệt trong các dịp lễ cổ truyền như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, hay các trại hè dành cho thiếu nhi... giúp gắn kết trẻ em Việt Nam với di sản văn hóa và nguồn cội.
Cũng không thể không nhắc đến việc kết nối với quê hương. Kết nối với quê hương có thể được tiến hành bằng nhiều cách thức khác nhau. Một chuyến về thăm lại Việt Nam là một trải nghiệm tiếng Việt và văn hóa Việt không thể tốt hơn vì các em được trực tiếp sống và giao tiếp hàng ngày trong một cộng đồng nói tiếng Việt bản ngữ. Nhiều trẻ em đã có tiến bộ vượt bậc về tiếng Việt chỉ sau một chuyến về Việt Nam ngắn ngày. Nếu không có điều kiện để đi về Việt Nam thì việc kết nối nói chuyện thường xuyên với các thành viên trong gia đình ở Việt Nam, nhất là ông bà nội ngoại, sẽ là một kênh quan trọng và hữu ích vì nó giúp duy trì mối dây liên kết tình cảm bền chặt với nguồn cội và nâng cao đáng kể khả năng giao tiếp tiếng Việt.
TS Nguyễn Thế Dương (trường Yêu Tiếng Việt – Brisbane – Australia)