"Chúng ta nên gỡ bỏ tâm lý e ngại khi nhắc đến thuốc morphin giảm đau trong y tế. Chỉ định đúng, liều lượng đúng thì không có gì phải sợ", bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ nói.
LỜI TÒA SOẠN
Năm 2019, Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam được thành lập sau một thời gian dài chuyên ngành này bị bỏ trống ở nước ta. Năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục ký Quyết định 183/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn Chăm sóc giảm nhẹ. Trước đó, năm 2006, Hướng dẫn quốc gia về Chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS cũng đã ra đời.
Đây là chuyên ngành chăm sóc, điều trị nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ các đau khổ về thể chất, tâm lý, xã hội hay tâm linh mà người bệnh nặng phải chịu đựng (ung thư, HIV/AIDS, COPD, suy thận, bệnh lý tim mạch…). Trong đó, vấn đề giảm đau đặc biệt được chú trọng.
Tại TP.HCM, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được chăm sóc giảm nhẹ chủ yếu ở các bệnh viện lớn. Tại tuyến cơ sở, việc cung ứng thuốc morphin vẫn khó, quy định quản lý thuốc chặt chẽ đôi khi khiến những người cận tử buông tay vì nản lòng. Họ có thể phải trải qua tháng ngày cuối đời trong nỗi đau và tiếng rên la. Đây cũng là trăn trở của mỗi gia đình người bệnh và những bác sĩ đã gắn bó cuộc đời với bệnh nhân ung thư.
VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Gian nan hành trình tìm thuốc giảm đau của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với mong muốn chia sẻ một phần thực trạng này.
Một phụ nữ 48 tuổi (Bến Tre) bị ung thư trực tràng, mang theo vết sẹo phẫu thuật trước bụng, chân teo lại. Sau 3 năm điều trị, vợ chồng chị không còn đếm đã tốn bao nhiêu tiền chữa bệnh, vì "đếm không nổi". Để theo đúng phác đồ mà giảm bớt chi tiêu, anh chị ở nhờ mái ấm sát bệnh viện.
Chị nằm trong số những bệnh nhân có chỉ định thuốc giảm đau morphin hằng ngày.
"Hồi đầu đau quá không ngủ được, tôi quậy bác sĩ cả đêm. Xuống đây, tôi thấy khỏe ra hẳn vì bác sĩ quan tâm, điều dưỡng nhẹ nhàng và lo lắng cho mình", chị vừa cười vừa kể. Người chồng, có lẽ cũng là một liều thuốc giảm đau đặc biệt mà chị có trong hành trình này.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hương Thảo, Điều hành khoa Chăm sóc giảm nhẹ, nơi đây có hơn 30 bệnh nhân nội trú và quản lý gần 400 ca ngoại trú. Phần lớn người bệnh đều đau với mức độ khác nhau, từ vừa đến nặng. Có trường hợp phải sử dụng giảm đau liều rất cao, khoảng 800mg morphin/ngày.
“Chúng tôi không chỉ giúp kiểm soát đau mà còn nâng đỡ về mặt xã hội, tâm lý, tâm linh cho người bệnh”, bác sĩ Thảo chia sẻ. Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức... nằm trong số ít các cơ sở y tế công lập triển khai dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người bệnh nặng, người cận tử.
Dĩ nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được các hình thức chăm sóc trên. Ông T.H.A (Đồng Nai) bị ung thư gan, xơ gan và chạy chữa nhiều năm. Khoảng một năm cuối đời, bụng ông trướng to, đau nhức. Cứ vài tuần, ông lại bắt xe từ quê một bệnh viện ở TP Biên Hòa để được rút dịch, giảm đau và cảm thấy dễ chịu.
“Giá như có bác sĩ chăm sóc tại nhà, anh tôi đã không phải lặn lội xa xôi”, em gái ông H. chia sẻ.
Khi nào morphin giảm đau về đến xã, phường?
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đồng thời là Chủ tịch Hội y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, cho rằng quy định về quản lý và cấp morphin cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và điều trị ngoại trú đã thoáng hơn xưa.
Theo đó, bác sĩ khám và kê một đơn thuốc morphin trong 10 ngày cho bệnh nhân. Ở đơn tiếp theo, người thân có thể nhận giùm thuốc với điều kiện có giấy xác nhận của địa phương. Không quá 30 ngày, người bệnh phải có mặt để bác sĩ đánh giá tình trạng, mức độ đau, đáp ứng thuốc và kê đơn mới (10 ngày). Quy trình này kéo dài đến cuối đời người bệnh.
Theo bác sĩ Thịnh, các quốc gia trong khu vực cho phép cấp đơn morphin trong 1 tháng, 2 tháng (ở Malaysia) hoặc 3 tháng (ở Singapore). “Quản lý morphin cần cẩn trọng, nhưng nếu quản lý quá chặt, người bệnh lại khó tiếp cận. Điều này càng khó khăn hơn với bệnh nhân ung thư ở tỉnh”, ông bày tỏ.
Bác sĩ Thịnh cho rằng cần có chủ trương để nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở của TP.HCM cùng tham gia mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ. Y tế cơ sở sẽ được đào tạo bài bản, bao gồm cả cách quản lý và sử dụng morphin. Khi đó, người bệnh nặng, người cận tử sẽ được chăm sóc ngay tại xã, phường. Đồng thời, các bệnh viện tỉnh cũng cần nhận thức đúng về chăm sóc giảm nhẹ để người bệnh không phải lặn lội lên TP.HCM nhận 10 ngày thuốc morphin.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức cho rằng, khi chỉ định đúng, liều lượng đúng, bác sĩ không cần e ngại về morphin. “Vấn đề này gần như năm nào chúng tôi cũng bày tỏ, chỉ mong bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bớt đau đớn, bớt cô đơn”, bác sĩ Vũ tâm tư.
Chăm sóc giảm nhẹ có bỏ quên trẻ em?
Bác sĩ Phan Thị Thu Trang, Phó trưởng khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho rằng bệnh nhi ung thư đang chịu thiệt thòi rất lớn, từ điều trị đến chăm sóc giảm nhẹ.
“Các bệnh viện tỉnh đều có khoa ung thư của người lớn nhưng không phải lúc nào cũng có khoa ung thư nhi. Khi trẻ gặp vấn đề, trình độ bác sĩ địa phương có thể điều trị nhưng họ không dám tiếp nhận. Các con bị đẩy lên tuyến trên, đẩy vào tận TP.HCM. Từ miền Trung, Tây Nguyên, các con đi gần nửa ngày mới đến nơi. Điều trị cơ bản như vậy, theo bạn, morphin sẽ khó ra sao?”, bác sĩ Trang run run nói.
Khoa Ung bướu - Huyết học luôn có khoảng 160-180 trẻ nội trú với 17 bác sĩ và 30 điều dưỡng. Việc thăm khám, kê thuốc, phát thuốc, làm hồ sơ… gần như "tối tăm mặt mũi". Đôi lúc muốn tư vấn kỹ hơn hay tâm sự với cha mẹ của trẻ, bác sĩ cũng bất lực.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ cũng chỉ dành cho người lớn. Trẻ nhỏ nằm ở Khoa Nội nhi, kể cả khi thuộc đối tượng cần kiểm soát đau. “Khi cần, bác sĩ sẽ đến hỗ trợ về giảm đau. Tuy nhiên, về mảng tâm lý, thực sự vẫn còn yếu, trẻ nhỏ vẫn thiệt thòi”, bác sĩ Hương Thảo chia sẻ.
TP.HCM: Chăm sóc giảm nhẹ tại y tế cơ sở gặp khó
Theo Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua, hoạt động chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đời được đẩy mạnh tại các bệnh viện tuyến trên. Việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho chăm sóc giảm nhẹ tại tuyến y tế cơ sở, nhất là thuốc giảm đau morphin dùng trong ung thư, còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, một trong 6 giải pháp của Dự thảo Chiến lược phòng chống ung thư của TP.HCM "Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng".
Bên cạnh việc thành lập Hội y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, công tác đào tạo nhân lực cho chuyên ngành này cũng đã được triển khai tại Đại học Y dược TP.HCM.
NHẬT BẢN - Mắc nhiều bệnh và phải cắt bỏ không ít các cơ quan nội tạng trong cơ thể nhưng kiến trúc sư Tadao Ando vẫn sống thọ nhờ một việc làm đơn giản mỗi ngày, ai cũng có thể thực hiện được.