Anh N.M.C (34 tuổi, sống tại Quảng Ninh) đi khám sức khỏe tại một bệnh viện ở Hà Nội vì xuất hiện các triệu chứng như đau tức hạ sườn, mệt mỏi, phù nhẹ hai chân. Xét nghiệm AFP cao bất thường nên các bác sĩ làm xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả chụp MRI cho thấy khối u lớn ở gan phải với kích thước 10x10x12cm. Bác sĩ chẩn đoán anh C. mắc ung thư gan giai đoạn muộn.
Về căn bệnh này, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thịnh - Khoa Phẫu trị - Xạ trị - Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) - cho biết, trên thế giới, ung thư gan là bệnh ung thư đứng hàng thứ 7 trong tổng số các bệnh ung thư nhưng tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư gan đứng đầu ở nam giới.
Theo bác sĩ Thịnh, nguyên nhân ung thư gan chưa xác định rõ ràng nhưng các yếu tố gây bệnh là tình trạng xơ gan, viêm gan và thói quen sống. 80% số bệnh nhân ung thư gan tiến triển từ viêm gan B, 5% số bệnh nhân ung thư gan từ viêm gan C. Ngoài ra, thói quen sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên là nguyên nhân chính gây xơ gan, ung thư gan. Thói quen lười vận động, béo phì, gan nhiễm mỡ không do rượu cũng làm tăng nguy cơ.
Bác sĩ Thịnh nhấn mạnh các dấu hiệu ung thư gan mờ nhạt, giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng.
Một số người có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, phù chân, đau tức hạ sườn. Khi đó, bệnh đã ở giai đoạn đã muộn.
Bác sĩ Thịnh khuyến cáo người dân nên có thói quen quan tâm tới sức khỏe. Cách tốt nhất phát hiện được sớm ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ.