Suối Cọp là cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng với những tình tiết đặc sắc đã chạm được vào trái tim bạn đọc. Ngay sau khi xuất bản ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết Suối Cọp được xuất bản tại Mỹ, Hungary và đang tiếp tục dịch sang tiếng Pháp.

Nhà văn Hữu Ước có những phát hiện mới về chiến tranh và người lính và có cách giải mã riêng về chiến tranh nên đã chinh phục được nhiều độc giả.

z4828204922077-55bae707e49b5a157d635aca6722b752.jpg
Trung tướng - nhà văn Hữu Ước ký tặng sách độc giả tại buổi ra mắt.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh vùng Suối Cọp - một nơi bắt đầu của Đông Trường Sơn tiếp giáp Tây Trường Sơn và rất gần đường 9 Quảng Trị.

Suối Cọp giải mã vì sao Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ một cách thuyết phục. Không chỉ con người ở đất nước này tham chiến mà cả tự nhiên cũng đồng lòng đánh giặc, từ con kiến, tới lũ tắc kè, rắn rết... Tính độc đáo nằm ở việc miêu tả số phận, câu chuyện của cả những nhân vật từ thiên nhiên, trong rừng sâu, cánh đồng, hang núi, con suối… trong bối cảnh chiến tranh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, ngay cả khi cầm súng tiêu diệt kẻ thù trong cuộc chiến thì giấc mơ được sống một cuộc sống đúng nghĩa nhất của con người lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Toàn bộ tư tưởng trong tiểu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước nhằm minh chứng điều lớn lao nhất ấy của con người.

"Những người lính Việt Nam hiện lên trong tiểu thuyết này là những người chiến đấu để được sống với giấc mơ đẹp chứ không phải chiến đấu như một cỗ máy hủy diệt. Chiến tranh đã đi qua, rồi những thắng thua, những thù hận, những thương đau sẽ tan theo thời gian. Nhưng những lời thì thầm của tình yêu, những nụ hôn, những ân ái dưới trăng, những giấc mơ bình yên trong cánh rừng ngập bóng tối của thần chết chiến tranh sẽ không bao giờ mất. Tất cả vang lên như những bản tình ca buồn và đẹp đẽ. Đấy là những gì tôi nghe thấy rõ nhất khi rời những trang sách của nhà văn Hữu Ước", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

W-z4828493533703-28253dcb53a47ba1e5a644f723288171-4.jpg

Nhà thơ Nguyễn Quyến nói sự hài hòa giữa lý tưởng chung và những ước muốn cá nhân được nhà văn Hữu Ước mô tả rất khéo léo. Và ở những thời điểm quyết định, những ước muốn cá nhân đó dù có mãnh liệt đến đâu cũng phải lui lại để lý tưởng chung của cộng đồng tỏa sáng.

"So với các tác phẩm đương đại chỉ dựa trên giọng kể của nhân vật 'Tôi' hoặc nhân vật chính thì Suối Cọp giống như một bảo tàng các nhân vật với tầng tầng nhân vật, tính cách khác nhau. Mỗi nhân vật nổi bật lên chỉ sau vài dòng văn khắc họa, hoặc một vài câu thoại.

Nhà văn Hữu Ước giữ giọng nói của mình khách quan đối với những nhân vật đó nên cả tiểu thuyết giống như một câu chuyện hết sức tự nhiên, giống như dòng chảy của cuộc đời vậy. Những nhân vật sống với lý tưởng của mình một cách tự nhiên như cuộc sống của họ vốn vậy. Điều đó càng chứng tỏ lý tưởng đó đã thấm sâu vào máu họ, vào hồn họ và biến họ từ những con người hiền lành, cần cù, thành những người anh hùng mà cả nền văn học phải hướng đến", nhà thơ Nguyễn Quyến chia sẻ.

Ông Bob Babcock - CEO NXB Deeds (Mỹ) chia sẻ trong lời tựa cuốn Suối Cọp rằng đã từng do dự khi được GS. TS. Nguyễn Đăng Anh, người Mỹ gốc Việt yêu cầu biên tập, xuất bản và viết lời tựa cho cuốn tiểu thuyết. Nhưng trí tò mò nổi lên trước cơ hội có một không để tìm hiểu cuộc đời của một người lính Bắc Việt Nam, Bob Babcock đã đọc Suối Cọp.

"Càng đọc tôi càng bị cuốn vào câu chuyện của người lính Hữu Ước. Cuộc sống của những người lính được viết trong sách rất giống chúng tôi về một mặt nào đó và khác nhau vô cùng theo những cách khác. Họ đã chiến đấu trong suốt cả cuộc chiến tranh. Gia đình và bạn bè của họ là đối tượng cho các trận ném bom của máy bay Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Còn chúng tôi chỉ ở Việt Nam khoảng 1 năm và trở về quê hương an lành của chúng tôi để tiếp tục cuộc sống.

Tôi khích lệ các cựu chiến binh Mỹ, gia đình và bạn bè của họ cũng như tất cả những người đọc cuốn sách hãy giữ một tâm trí cởi mở. Dù ký ức sẽ không bao giờ bị xoá nhoà, hy vọng Suối Cọp sẽ giúp các cựu chiến binh Mỹ hiểu rõ hơn về Việt Nam", ông Bob Babcock viết.