XEM VIDEO:
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình KTXH và ngân sách nhà nước tại Quốc hội chiều 1/6, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách nêu vấn đề về việc triển khai gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng theo nghị quyết 43 của Quốc hội.
Nữ ĐB đánh giá, Nghị quyết 43 là quyết tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ KH&ĐT đã đôn đốc rất quyết liệt, nhưng có thực tế là chậm so với tiến độ, rất có thể những mục tiêu đã mà nghị quyết đề ra phải hoàn thành trong năm 2022 - 2023 không thể thực hiện.
Bà đặt vấn đề "có lý do để chậm không?" và cho rằng không có nhiều lý do để chậm. Bà nêu, triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh khách quan có thuận lợi khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi; xét về nguồn lực, theo Nghị quyết 43, là sẵn sàng; quy trình thủ tục đã đơn giản hóa, phân cấp tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương, có những tiền lệ mà trước đây chưa bao giờ thực hiện.
Phó Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách tiếp tục đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta có đang lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian không? Nếu lãng phí thời gian, cơ hội thì cũng đồng nghĩa chúng đang lãng phí nguồn lực, ngân sách. Chúng ta có một kỳ họp đặc biệt, chương trình đặc biệt nhưng cũng rất cần quyết tâm đặc biệt và cách làm đặc biệt. Chính phủ cần rà soát tổng thể xem đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và cũng cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không đảm bảo tiến độ".
Bày tỏ thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt, ĐB Mai mong "không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở nên nguội lạnh".
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ phấn khởi khi nước ta đã chiến đấu và chiến thắng trước đại dịch Covid-19 và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo ông An, kết quả này cho thấy sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ cũng như sự đồng hành sát sao, hỗ trợ của Quốc hội.
“Nước ta như cơ thể mới hết ốm, đang phục hồi sau tác động nặng nề của đại dịch, vừa phải căng mình để xử lý những vấn đề tồn đọng lại vừa phải triển khai một khối lượng đồ sộ các nhiệm vụ mới, cấp bách. Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi. Hướng phát triển là chủ đạo nhưng nền tảng có nhiều nội dung, nhiều yếu tố chưa thật sự vững chắc”, ĐB Trịnh Xuân An phân tích.
Từ đó ông An nêu hàng loạt đề nghị, trong đó có việc khẩn trương triển khai các giải pháp tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 55 của Quốc hội và giải ngân đầu tư công hiện nay đang triển khai rất chậm.
“Có một sự sốt ruột không hề nhỏ khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được. Mặc dù nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn và rất cấp bách, nếu không có giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của chương trình phục hồi kinh tế xã hội là rất khó khả thi”, ĐB cảnh báo.
Do đó, ông cho rằng các bộ ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền thì thực hiện ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng, dồn mọi việc lên cho Thủ tướng, Chính phủ.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết, nghị định, như Nghị quyết 11, Nghị định 15, Nghị định 31, 34, 36,.... Tuy nhiên, các nghị định này còn chậm đưa vào cuộc sống.
Trước mắt, theo ông Ngân, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
"Đây là thế mạnh của nước ta và các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng về lương thực", ông nhấn mạnh.
ĐB lưu ý, chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản, lạm phát mục tiêu, ưu tiên dòng vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ không để lãi suất tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Trần Thường - Thu Hằng