Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; vấn đề bất cập trong đấu giá, trúng thầu đất được nhiều ĐBQH nêu ra, điển hình từ vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm.
XEM CLIP: ĐB Nguyễn Thị Thủy phát biểu
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu về những góc khuất trong đấu giá đất thời gian qua.
Cho rằng việc “thắng thầu bỏ cọc” không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta với muôn vàn lý do, ĐB cho biết, không ít nhà đầu tư muốn lợi dụng chiêu trò này để “thắng với mức đấu giá cao chót vót sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất, thao túng thị trường, làm lợi cho 1 nhóm thiểu số”.
Dẫn chứng cụ thể nhiều hệ lụy, bà Thủy nói về vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, khi ngay sau cuộc đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu thực chất là giá ảo để “té nước theo mưa”, đẩy giá đất giá nhà TP.HCM lên cao, để kịp thời bán ra 1 số lượng nhà đất mà họ đã thu gom trước đó. Có những nhà đầu tư còn lợi dụng để nâng giá cổ phiếu, trái phiếu.
Nguy hiểm hơn còn những người còn lợi dụng để “đánh võng” giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng mà nếu thực hiện trót lọt có thể rút ruột các ngân hàng. “Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời”, bà bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định, việc “bắt tay nhau để dìm giá, mua rẻ tài sản nhà nước nhất là đất đai diễn ra tại nhiều phiên đấu giá”. Đó là, thông đồng giữa những người tham gia đấu giá với nhau, còn gọi là “quân xanh, quân đỏ” để lót đường cho một nhà đầu tư đã định sẵn trúng với giá rẻ, và giá trị thực của những lô đất đã bị những “quân xanh, quân đỏ” này dìm xuống.
Việc dìm giá còn sử dụng cả thủ đoạn 'xã hội đen' để đe dọa những người tham gia đấu giá khiến cho họ sợ hãi, bỏ cuộc rút hồ sơ và khi đó cuộc đấu giá thực chất chỉ có một người tham gia “một mình một chợ”, còn những người khác chỉ là “quân xanh” và giá của những lô đất này như thế nào là do những đối tượng này thao túng và gần như đã được định sẵn đó là thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chỉ cao hơn giá khởi điểm không đáng kể. Những thủ đoạn này theo nữ ĐB đã gây ra thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, không chỉ đơn thuần là vi phạm về quy định đấu giá, đấu thầu.
Tình trạng bắt tay ngầm, rút ruột của Nhà nước, bà Thủy cho biết, giới kinh doanh bất động sản phản ánh lại sẽ không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu không có tay trong. “Ở mức độ đơn giản những tay trong cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin thì mới có thể tổ chức quây thầu, vây thầu để trúng với giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì đó là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích rút ruột của Nhà nước từ các phiên đấu giá”, ĐBQH phân tích.
Nói về vụ án ở Hà Nội, ĐB thông tin, các đối tượng đã bắt tay với những người có trách nhiệm để điều chỉnh giá đất rẻ hơn gần bằng một nửa so với giá đất ban đầu từ 500 tỷ xuống 300 tỷ.
Bà đặt vấn đề: “Nếu phi vụ này trót lọt thì Nhà nước sẽ mất gần một nửa tiền, nhưng đến nay vụ án này đã có 8 bị can bị khởi tố, trong đó có 2 bị can là cán bộ quản lý dự án. Dư luận băn khoăn liệu có nhiều phi vụ tương tự như vậy chưa được phát hiện hay không”.
Về tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá, bà Thủy nhận định đây là khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao chức năng quá lớn cho đơn vị thẩm định giá trong khi cơ chế kiểm soát lại lỏng lẻo, đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất trong thời gian vừa qua.
Từ vụ án đưa ra xử lý vừa qua cho thấy, cùng là hành vi móc ngoặc giữa thẩm định viên và các tổ chức cá nhân trong đấu giá, nhưng với gói thầu mua sắm trang thiết bị được mua sắm từ ngân sách nhà nước, giá gói thầu được đưa ra trong nhiều trường hợp giá cao hơn rất nhiều so với giá thực còn lô đất nhà nước đưa ra trong đấu giá, giá thẩm định đưa ra lại rất rẻ. Những chiêu trò đẩy hay dìm giá là đều rút ruột, gây thiệt hại cho Nhà nước và làm lợi cho nhóm thiểu số.
Kết bài phát biểu, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, những chiêu trò “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng dìm giá, "thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất" gây ra hệ lụy lớn cho KT-XH nên cần mạnh tay xử lý. Bà kiến nghị, Chính phủ có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, thanh kiểm tra thường xuyên hơn; bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất mà dư luận quan tâm thời tra để xác minh, điều tra làm rõ, tăng tính răn đe.
Tình trạng “bán nhà hai giá” còn phổ biến
XEM CLIP: ĐB Phan Thái Bình phát biểu
Theo ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), thị trường bất động sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng “bán nhà hai giá”, tức là giá thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn phổ biến, gây thất thu ngân sách.
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản để thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế, hướng dẫn kê khai đúng giá trị chuyển nhượng. Việc này bước đầu có kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo nguồn thu.
Song theo ĐB, các chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế thời gian qua còn chung chung, chưa giải quyết được triệt để gốc vấn đề mà ngược lại còn phát sinh bất cập, hệ lụy trong quá trình thực hiện. Ông phân tích, hiện nay theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không ghi giá, hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước quy định thì giá tính thuế tính theo khung Nhà nước…
“Bản chất là thoả thuận dân sự của người mua và bán, như vậy nguồn gốc thất thu thuế chính là sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân khi tham gia giao dịch. Bên cạnh đó, bảng giá đất các địa phương hiện nay không sát với thị trường, còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế”, ông Bình nói.
Theo ông, một vấn đề rất lớn đó là khi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thì người dân chịu mức thuế cao hơn, theo giá trị trường. Nhưng khi bị thu hồi, đền bù thì áp theo giá Nhà nước, thấp hơn giá thị trường. Điều này dẫn đến bất bình đẳng.
Từ phản ánh của cử tri, ông Bình cho biết, có một số cơ quan thuế cấp huyện có biểu hiện tuỳ tiện trong việc áp giá tính thuế. Nhiều nơi yêu cầu người dân chấp nhận giá trị tính thuế cao hơn gấp 1,5-2 lần giá Nhà nước quy định mới được giải quyết hồ sơ.
Trường hợp thấp hơn mức trên thì bị “ngâm” hoặc “mời lên làm việc nhiều lần”, trả hồ sơ về với lý do chưa sát với thị trường.
ĐB đề nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hàng lang pháp lý về đất đai, thuế. Trong đó quy định xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật đất đai. UBND các địa phương cần cập nhật, bám sát giá đất nhà nước để tính thuế và tính chi phí bồi thường cho người dân khi thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng trong mối quan hệ này...
Trần Thường - Hồng Nhì - Thu Hằng