16h chiều, quầy bán gỏi khô bò của dì Sáu bắt đầu tấp nập thực khách.
"Dì ơi con hai suất mang về nhé, cho con thêm nước sốt, tương ớt!"
"Con ba phần ngồi bên công viên nhé dì Sáu"
"Nhanh bê cho con dì ơi sắp mưa to rồi. Nhiều phồng tôm giúp con"...
Những tiếng í ới gọi gỏi khô bò liên tục vang lên. Vài người lái xe tấp vội lề đường, giục dì Sáu nhanh tay để kịp vút đi, tránh cơn mưa sắp đổ ập xuống. Người thì vừa gọi đồ dứt câu, vội chạy sang công viên Lê Văn Tám đối diện, tìm chỗ ngồi mát mẻ, mua ly nước trái cây, thong thả chờ đĩa gỏi.
Có vị khách mới tới lần đầu, gọi đồ xong mà loay hoay chẳng biết ngồi đâu. Dì Sáu ngước nhìn và nói: "Ngồi đâu cũng được con ơi. Sang bên công viên cho mát, tí có người bê gỏi qua".
Quầy gỏi bò khô của dì Sáu gồm một chiếc bàn nhỏ, bề ngang chưa tới 1m, một tủ kính nhỏ đặt phía trên, nằm trước tòa nhà trên đường Hai Bà Trưng, đối diện công viên Lê Văn Tám (Quận 3, TP.HCM). Quán vốn chẳng biển hiệu, cũng không ghi tên. Thực khách truyền tai nhau, gọi là "gỏi khô bò dì Sáu" hay "gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám".
Có nhiều người ăn ở đây vài năm, thậm chí chục năm nhưng không biết mặt dì Sáu. Họ cứ theo thói quen, tới góc công viên Lê Văn Tám. Ở đây thường có người nhà của dì Sáu chờ sẵn, hỗ trợ gọi đồ cho khách.
Dì Sáu tên thật là Thủy (hay còn gọi là Thúy), quê An Giang, năm nay 61 tuổi. Là người con thứ sáu gia đình nghèo có tới 15 người con, ngay từ nhỏ bà đã phải bỏ học, cùng gia đình làm việc kiếm sống qua ngày. Dì Sáu không phải người hay nói chuyện, thường chỉ trả lời khách ngắn gọn. Nhưng nếu tới vào giờ vắng khách, tỉ tê tâm sự, dì Sáu cũng rất thân mật kể về cuộc đời gần 50 năm bán gỏi khô bò. "Tôi bán gỏi từ hồi 50 xu/đĩa, theo thời gian, nguyên liệu tăng giá, bây giờ giá 25.000 đồng/đĩa", dì Sáu nói.
Trước năm 1975, chị của dì Sáu lên TP.HCM lập nghiệp. Sau khi trải qua nhiều công việc khác nhau, người chị thử làm món gỏi khô bò để mang bán vỉa hè. Thời điểm đó, xe gỏi khô bò được đẩy ra trước sân vận động Hoa Lư. Chỉ sau vài năm, món gỏi khô bò này được người dân TP.HCM lúc ấy yêu thích, luôn đông khách. Hồi đó, dì Sáu mới mười mấy tuổi, rời quê nhà lên bán hàng cùng chị.
Hàng ngày, dì Sáu dậy từ 4h sáng để cùng con cháu trong nhà chuẩn bị các nguyên liệu bán hàng như đu đủ bào sợi, bánh phồng tôm, nước mắm trộn gỏi, tương ớt, và quan trọng nhất là thịt bò khô. Trước đây dì chỉ bán từ 13-21h nhưng nay, dì mở hàng từ 11h trưa.
Chị em dì Sáu có bí quyết riêng để đu đủ được giòn, thịt bò đậm vị, nước chấm có vị đặc trưng. Phần đu đủ nạo mỏng nhưng vẫn giữ độ giòn. "Tôi cứ nạo một tủ, bán gần hết lại gọi điện để ở nhà nạo tiếp mang ra. Nếu để quá lâu, phần đu đủ không còn ngon nữa", dì Sáu nói.
Các nguyên liệu gia đình này đều tự làm để đảm bảo ngon, chuẩn công thức và tiết kiệm chi phí.
Khô bò ở đây khác hương vị ngoài Bắc, có độ keo, sệt, không cứng mà mềm, dẻo. "Công thức làm khô bò chỉ có người trong gia đình tôi mới biết. Nhiều người thích hương vị này nên tìm tới mua hàng cân, mang về ăn dần, giá từ 350.000 đồng. Bây giờ, giá nguyên liệu tăng cao nhưng tôi xác định lấy công làm lãi, hy vọng món ăn của mình còn làm khách quen thấy ngon, thấy vui khi thưởng thức", dì Sáu bộc bạch. Ăn kèm gỏi là những chiếc phồng tôm giòn tan, đậm vị, có mùi thơm thơm của tôm.
Phần làm dậy hương vị của món gỏi là nước sốt trộn gỏi. Nước sốt này có sự đậm đà, đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, quyện vào nhau, thấm vào từng sợi đu đủ, khô bò. Dì Sáu thường đóng sẵn nước sốt, tương ớt để phục vụ thực khách đem đi.
Chỗ ngồi của thực khách thường là ghế đá, bệ gạch quanh bồn cây ở rìa công viên, kê thêm một mảnh bìa nhỏ. "Ở đây có nhiều cây xanh nên có khi ngày nắng, ngồi dưới bóng râm vẫn mát. Mình ăn gỏi khô bò dì Sáu từ ngày học cấp ba. Giờ học Đại học cách đây 15km nhưng vẫn hay rủ bạn bè tới ăn. Có hôm đang ăn, trời đổ mưa, mấy đứa chạy vội, ướt nhẹp nhưng vẫn vui. Đây trở thành món ăn vặt ngon, rẻ và đầy ắp kỉ niệm với mình", Thành Thế (Quận 3, TP.HCM) chia sẻ.
Quầy gỏi khô bò của dì Sáu tạo công ăn việc làm, giúp nuôi sống nhiều thành viên trong gia đình. Các thành viên trong nhà người đóng gói gỏi, người bưng bê, người gọi đồ... phối hợp nhịp nhàng. Phía công viên, gia đình dì Sáu thường dựng một chiếc xe máy làm "điểm trung chuyển", giúp khách nhận diện vị trí bán hàng và phục vụ khách nhanh hơn.
"Bây giờ, thành phố có nhiều món ngon hơn để thực khách lựa chọn. Món ta, món Tây, món Âu, món Á... đều có. Dẫu vậy, hương vị gỏi khô bò bình dân, giản dị nhưng đậm đà của dì Sáu vẫn khiến tôi nhung nhớ", một vị khách chia sẻ.
Với dì Sáu, quầy gỏi này đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nó không chỉ giúp dì và gia đình có thu nhập mà còn mang tới niềm vui. "Nhiều khi chỉ cần khách gật gù khen ngon, tôi quên hết mệt mỏi", dì Sáu tâm sự.
Dì Sáu và người thân trong gia đình làm không ngơi tay để gói gỏi cho thực khách