Đây là Hội thảo thứ 4 lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật được Bộ này tổ chức.
Trước đó, Bộ đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp (tại VCCI); lấy ý kiến của các địa phương khu vực phía Nam và Miền Trung – Tây Nguyên.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy; HĐND, UBND cấp tỉnh để lấy ý góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các chính sách mới được bổ sung, hoàn thiện qua thực tiễn; đề nghị các đại biểu dựa trên điều kiện thực tế của địa phương để đưa ra cách thức, công cụ triển khai chính sách mới như thế nào là tốt nhất từ đó giải quyết được các tồn tại, vướng mắc, đạt được các mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết 18.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Thanh Khuyến đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các khoản thu tài chính từ đất đai được bổ sung...
Băn khoăn đấu giá đất, đấu thầu dự án
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hải, Luật Đất đai hiện hành (Điều 118) xác định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…
Tuy vậy, Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay đổi cách tiếp cận về nội dung này. Theo đó, Luật không quy định cụ thể mà chỉ xác định nguyên tắc các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại Điều 63 (không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và Điều 64 (đấu thầu dự án có sử dụng đất) thì phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo ông Hải, việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư sẽ không phát huy, tối đa hóa các lợi ích, mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của dự án như trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.
Phó Chủ tịch TP Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, liên quan đến việc sử dụng đất quốc phòng an ninh, khi thực hiện thu hồi, ngoài thực hiện theo Luật đất đai còn phải thực hiện theo quy định về đất quốc phòng, quản lý sử dụng tài sản công… dẫn đến thời gian kéo dài. Cần quy định việc sử dụng loại đất này như các loại đất khác để bảo đảm tiến độ, thời gian phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Lấy dẫn chứng từ địa phương, ông Quân nêu, vấn đề tồn tại ở Hải Phòng là việc giao cấp đất cho công nhân làm nhà ở, giao trái thẩm quyền…, những trường hợp này người dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, đủ điều kiện cấp đất nhưng không có đất để giao. Hải Phòng phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Những trường hợp như thế cần phân cấp cho địa phương để chủ động giải quyết những tồn tại này.
Ngoài ra, phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường cần được làm rõ và quy định cụ thể hơn nếu không khó để thực hiện.
Góp ý về Điều 29, dự án Luật Đất đai sửa đổi, ông Bùi Văn Côi (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn) cho biết: theo quy định, nhà đầu tư được lựa chọn thông qua một trong các hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư (trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một người đăng ký tham gia).
Luật Đất đai hiện hành và Điều 54 dự thảo Luật về căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án mà nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định nêu trên.
Điều này sẽ dẫn đến tình huống các dự án đầu tư có sử dụng đất đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng không có cơ sở để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông đề nghị cần có quy định về thẩm quyền và trình tự giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo. Đồng thời, kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt...
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dành nhiều thời gian trao đổi, giải thích, thảo luận các vấn đề đặt ra.
Ông Hà nhấn mạnh, dự án Luật lần này giao quyền, phân cấp quyền cho địa phương rất nhiều, do đó đề nghị địa phương cần nghiên cứu kỹ để có thể bảo đảm quản lý được chặt chẽ các số liệu thông tin về các loại đất đai trên địa bàn.
Về định giá đất đai, Bộ trưởng cho rằng cần phải kết hợp hai đến ba phương pháp để xác định giá đất. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu các phương pháp trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các địa phương để có thể xác định được giá đất thị trường chính xác nhất chứ không phải giá đầu cơ, thổi giá…
Bộ trưởng cho biết thêm, trên thực tế, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư đã có các chế định việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận đất đai thì Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải có những quy định thêm để giám sát, quản lý một cách chặt chẽ nhất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến đóng góp từ cơ sở, thực tiễn ở các địa phương để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện.