Thể chế về đất đai cần được Quốc hội xem xét và thông qua không chỉ về phương diện Nhà nước làm quản lý đất đai mà, quan trọng không kém, là Nhà nước làm kinh tế đất đai như thế nào để dân thêm giàu, nước thêm mạnh như tinh thần của Nghị quyết 18.
Nhà nước quản lý kinh tế hay làm kinh tế?
Đó là câu hỏi được đặt ra trong thời kỳ Việt Nam ở vào giai đoạn cuối của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp cách đây gần 40 năm. Đã có hàng loạt cuộc bàn thảo xoay quanh chủ đề này. Câu trả lời cuối cùng được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam, đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và cơ chế này vẫn đang được vận hành cho tới hiện nay.
Chỉ thế thôi, nhưng biết bao công việc của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân đã được tổ chức lại, sắp xếp lại từ cấp trung ương đến các cấp tỉnh/thành, huyện/quận xã/phường, thậm chí tới cấp tận cùng của dân là thôn, bản, làng, tổ dân phố.
Hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, do nhập làm một giữa làm kinh tế với làm quản lý kinh tế nên Nhà nước đã lập ra hàng loạt Bộ/Ban/Ngành/Tổng cục ở Trung ương như Bộ Điện-Than, Bộ Cơ khí Luyện kim, Tổng cục Hóa chất (trực thuộc Chính phủ), Tổng cục Thủy sản (trực thuộc Chính phủ), Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp thực phẩm..., trong đó mỗi Bộ/Ban/Ngành/Tổng cục đều làm cấp trên trực tiếp của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Chỉ 10 năm sau khi khởi động công cuộc Đổi mới, hàng loạt Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước lần lượt được thành lập, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tách bạch giữa Nhà nước làm kinh tế với làm quản lý kinh tế.
Từ đó đến nay, sự tách bạch này đã nhấn thêm được nhiều bước tiến quan trọng, chẳng hạn trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Từ sau Đổi mới, tất cả các Bộ/ Ban/Ngành/Tổng cục hoạt động trong ngành công nghiệp đã được gộp lại thành hai Bộ là Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ; và sau đó, cả hai tổ chức này lại được gộp lại cùng với hai tổ chức là Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương thành Bộ Công Thương như hiện nay.
Nhà nước làm quản lý kinh tế đâu cần nhiều Bộ/Ban/Ngành/Tổng cục như thời vừa làm kinh tế, vừa làm quản lý kinh tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chứng kiến sự ra đời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thay thế các Bộ/Ban/Ngành/Tổng cục như Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi, Bộ Lương thực...
Những nỗ lực để tách bạch giữa Nhà nước làm kinh tế với làm quản lý kinh tế trong nhiều lĩnh vực trong gần 4 thập kỷ qua đã mang lại bao nhiêu thay đổi ngoạn mục, làm nền tảng vững chắc cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vấn đề là ngay cả sự phát triển của hai trụ cột công nghiệp và nông nghiệp trong nền kinh tế đã gặp những trở lực từ sự trái chiều trong lĩnh vực đất đai, khi Nhà nước vừa làm quản lý đất đai vừa làm kinh tế đất đai.
Cho đến lúc này, Nhà nước vẫn giữ nguyên chức năng, vai trò, nhiệm vụ vừa quản lý đất đai và làm kinh tế đất đai, không như những thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.
Các Luật Đất đai năm 1987, 1993, 2003, 2013 đều thành công bao nhiêu đối với các Điều/Khoản/Chương/Mục về Nhà nước quản lý đất đai, thì càng bất cập bấy nhiêu về Nhà nước làm kinh tế đất đai như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, định giá giá đất, đặt thêm hệ số K, cưỡng chế thu hồi đất,...
Làm kinh tế đất đai đều do 4 cấp hành chính đảm nhận thì bộ máy nào, cán bộ nào đảm đương cho được, cho đúng, cho hiệu quả! Thị trường nào có thể nảy mầm trên nền tảng đó?
Để làm kinh tế dầu khí, Nhà nước đã thành lập Tập đoàn Dầu khí; để làm kinh tế khoáng sản, Nhà nước đã thành lập Tập đoàn Than Khoáng sản; để làm điện, Nhà nước lập ra Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đã tới lúc cần nghiên cứu tách bạch chức năng quản lý đất đai của hệ thống hành chính ra ngoài chức năng làm kinh tế đất đai.
Tách bạch hai chức năng của Nhà nước
Để làm kinh tế đất đai, Nhà nước đã không thành lập một Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty nào kinh doanh về đất đai trong suốt thời gian từ khi Đổi mới. Đã có thời Ủy ban nhân dân đứng ra “đổi đất lấy công trình” chứ không kinh doanh đất đai để có tài chính làm công trình. Nguy cơ “ăn đất”, “thất thoát”, “thiệt hại” lớn đến mức mô hình “đổi đất lấy công trình” đã bị bỏ ra khỏi Luật PPP.
Cũng đã có thời Ủy ban nhân dân làm giải phóng mặt bằng, sau đó thành lập Ban giải phóng mặt bằng, chứ nhất nhất không giao cho doanh nghiệp nhà nước nào đứng ra thực hiện.
Trong thị trường bất động sản thì Nhà nước đã thành lập một số Tập đoàn xây dựng bất động sản trên đất như đường xá, cầu cống, trụ sở, nhà ở..., còn đất đai tại các công trình đó vẫn do các cấp hành chính vận hành. Thị trường bất động sản theo mô hình nửa nạc nửa mỡ này đã phát sinh không biết bao nhiêu phiền hà, rắc rối, tốn kém gỡ mãi không xong.
Đã có không biết bao nhiêu công trình sau lễ khởi công phải đắp chiếu để đó do thiếu mặt bằng thi công. Đã không hiếm công trình xây dựng bị đội vốn do thời gian giải phóng mặt bằng bị kéo dài hết năm này sang năm khác khiến chi phí bồi thường thu hồi đất bị đội lên đến chóng mặt.
Đằng sau đó là những vụ kiếm tiền bỏ túi của những cán bộ hành chính liên quan. Những “khu đất vàng, bạc, kim cương” đang do các tổ chức trong hệ thống chính trị sử dụng, bỗng bị “hóa phép” chuyển cho khu vực ngoài nhà nước với giá thấp xa so với thị trường mà nhiều vụ án liên quan đến đất đai gần đây đã hé lộ.
Khi bộ máy và cán bộ hành chính lại thay thế các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty để làm kinh tế đất đai thì việc vừa đá bóng vừa thổi còi trong lĩnh vực kinh tế đất đai làm sao tránh được.
Đất đai trong tay Nhà nước và Người dân thì giá rất thấp, nhưng bị thu hồi để chuyển cho bộ máy và cán bộ hành chính làm kinh tế đất đai thì đất bị thổi giá đùng đùng; nhưng thử hỏi, Nhà nước và người dân có thu được phần lợi tương xứng?
Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, còn kinh doanh tiền tệ thì giao cho các ngân hàng thương mại nhà nước, các tổ chức tín dụng.
Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp và thương nghiệp thì Nhà nước làm kinh tế công nghiệp, kinh tế thương mại bằng cách thành lập các tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nghiệp quốc doanh như đã nêu trên.
Đó là những vấn đề đã được nhất trí từ chủ trương, chính sách, đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn. Vậy mà điều này lại không được áp dụng trong lĩnh vực đất đai khiến Nhà nước vẫn phải vừa làm quản lý đất đai, vừa làm kinh tế đất đai. Việc giao cho bộ máy và cán bộ thuộc hệ thống 4 cấp hành chính làm kinh tế đất đai thay cho hệ thống kinh tế quốc doanh đã bị tồn đọng nhiều năm qua.
Chừng nào những chức năng, vai trò, nhiệm vụ giữa quản lý đất đai và làm kinh tế đất đai chưa được tách bạch, thì chừng đó sẽ còn tồn tại nhiều rào cản, lãng phí nguồn lực và công bằng xã hội. Hệ thống hành chính nhà nước đã bị mất quá nhiều cán bộ vì làm kinh tế đất đai. Thất thu của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai là một con số quá lớn và chưa được thống kê đầy đủ.
Kinh tế đất đai bị rơi rụng nhiều bề đã trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu làm cho qui mô nền kinh tế Việt Nam với sức mua của 100 triệu dân luôn đứng lẹt đẹt trong bảng xếp hạng. Thực tế này cần được chỉnh sửa để Nhà nước và Nhân dân tiến đến phồn thịnh, công bằng.
TS Đinh Đức Sinh