Trước một số ý kiến cho rằng quy chế mới về đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT nhằm ‘hạ chuẩn’ cho các nghiên cứu sinh và giảng viên các ngành khoa học xã hội (KHXH), GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã bày tỏ quan điểm với VietNamNet.

Ông là GS ngành Văn học duy nhất còn trong tuổi công tác, Thư kí Hội đồng GS ngành Văn học, Phó Chủ tịch Hội đồng liên ngành Văn học và Ngôn ngữ học Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nasfoted).

{keywords}
GS.TS Lê Huy Bắc: Đội ngũ nghiên cứu Khoa học xã hội của Việt Nam không hề yếu kém

'Chặn đứng' đà phát triển học thuật của KHXH&NV

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố?

GS.TS Lê Huy Bắc: Thông tư 18 có điểm tích cực như trao quyền tự chủ hơn cho các cơ sở đào tạo, nhưng cần xem lại “phần cứng” của nghiên cứu sinh (NCS) và người hướng dẫn. Tôi chỉ đề cập trong lĩnh vực KHXH, vì đối với các ngành Khoa học tự nhiên và Kinh tế vốn có nhiều thành tựu trong công bố quốc tế thì Thông tư này không có gì đáng bàn nhiều. Các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này thường xuyên tiếp cận với chuẩn quốc tế.

Đối với các ngành KHXH thì theo tôi, thông tư này chặn đứng đà phát triển học thuật KHXH của nước nhà. Quy chế đào tạo tiến sĩ từ năm 2017 yêu cầu NCS và người hướng dẫn phải có bài báo đăng tạp chí ISI/Scopus. Theo tôi đó là điểm thành công nhất, tạo nên một bước ngoặt lớn.

Từ năm 2017 đến nay, quy chế đó đã khiến cho các ứng viên TS, PGS, GS “dưới chuẩn quốc tế” không còn đất dụng võ, các “lò ấp” tiến sĩ bị xóa sổ, mang lại không khí học thuật trong lành cho ngành KHXH.

- Ông là GS thuộc lĩnh vực này, nói ra những điều như thế, ông không ngại va chạm hay sao?

Không vấn đề gì, vì đây chỉ là học thuật và khao khát của tôi khi muốn có được nền học thuật tiến bộ cho nước nhà. Sau quá trình triển khai hiệu quả, đáng lẽ ra Thông tư 08/2017 nên tiếp tục duy trì, thì giờ đây Thông tư 18/2021 chấp nhận việc “cá mè một lứa” giữa những người có công bố quốc tế và những người không có công bố quốc tế. 

Khi Thông tư 08 năm 2017 được ban hành, tuy chưa có bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus nhưng tôi vẫn ủng hộ hướng đi đó. Bởi tôi nghĩ rằng những gì các nhà KHTN Việt Nam làm được thì các nhà KHXH cũng có thể làm được. Đội ngũ nghiên cứu KHXH của Việt Nam không hề yếu kém.

- Tại sao ông lại cho rằng chuẩn mới được đưa ra thấp hơn so với chuẩn cũ?

Tôi chỉ bàn về tạp chí, cơ sở của việc thừa nhận công bố của NCS và người hướng dẫn. Trừ các tạp chí thuộc KHTN và kinh tế thì toàn bộ các tạp chí KHXH&NV liên quan đến Văn, Sử, Địa, Triết học chưa có tạp chí nào có triển vọng đứng vào danh mục ISI/Scopus trong tương lai gần.

Hiện tại, theo tôi biết thì chỉ có 1 tạp chí Khoa học của Trường Đại học Đà Lạt vào cơ sở dữ liệu Đông Nam Á (ACI), 1 tạp chí Khoa học và Giáo dục của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng được công nhận vào chỉ mục của Blumx Metrics (Elesevier)... Trong khi đó, đa số các tạp chí chuyên ngành như Văn học, Lịch sử, Địa lí,… không hề đứng vào sơ sở dữ liệu nào của khu vực hay quốc tế.

Nếu nói rằng, nhờ công nhận bài báo của NCS và người hướng dẫn trên tạp chí Việt Nam sẽ giúp tạp chí quốc nội phát triển là thiếu cơ sở khoa học, vì đã mấy chục năm nay, các nhà khoa học không công bố quốc tế vẫn đều đặn đăng bài mà các tạp chí đó có vào được ISI/Scopus đâu?

Do đó, việc thông tư 18/2021 lấy chuẩn là các bài báo KHXH&NV đăng trên các tạp chí trong nước để công nhận thì tôi cho rằng là “hạ chuẩn” so với yêu cầu của quy chế 2017.

Chưa hết, quy chế đào tạo tiến sĩ mới yêu cầu nghiên cứu sinh trong 3-4 năm học phải có 2 điểm từ các tạp chí được đánh giá từ 0,75 điểm trở lên. Chỉ xét riêng ngành Văn học, theo danh mục của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, có 14 tạp chí được tính từ 0,75 trở lên.

Còn yêu cầu đối với người hướng dẫn NCS là đạt tổng 4 điểm/5 năm, thì đúng là xem thường người hướng dẫn vì chỉ với một tiến sĩ vừa bảo vệ sau 1 năm cũng đã có thể đạt hơn 4 điểm công trình in trên các tạp chí KHXH trong nước.

Không liên thông có thể tiếp tay cho 'đạo văn'

- Liệu ông có định kiến với các tạp chí của Việt Nam không?

Để hội nhập với quốc tế cần một số yếu tố mà trước tiên là tạp chí phải được trình bày bằng tiếng Anh để quốc tế đều có thể xem, tra cứu được.

Những người làm KHXH ở Việt Nam cũng giỏi chứ không phải không, có điều nhiều trong số họ không có định hướng rằng cần phải mang những tri thức của mình để thế giới cùng biết.

Nhiều người không có động lực hướng đến “chuẩn quốc tế” bởi đạt tới giáo sư, phó giáo sư và hài lòng với cái danh của mình, không nỗ lực phấn đấu để tạo nên một nền học thuật phát triển cho nước nhà.

- Cũng có ý kiến cho rằng, giá trị các bài báo khoa học có thể nằm ở ứng dụng thực tiễn trong nước. Ông nghĩ sao về điều này?

Vậy thì phải phân biệt rõ mảng nào phục vụ cho nhu cầu nội địa, để có chính sách phù hợp (có thể không yêu cầu bài báo quốc tế ngay). Nhưng chúng ta cũng cần phải cho thế giới biết cái nhu cầu nội tại đó phù hợp với chuẩn mực chung của nhân loại như thế nào, chứ chúng ta không thể 'một đường, một kiểu'.

Trong thời buổi toàn cầu hóa này, không có vấn đề gì là của riêng của Việt Nam. Một bài báo khoa học mà dữ liệu không có sự liên thông, không hiện lên trên bất kỳ hệ thống nào để có thể đánh giá được bao nhiêu lượt trích thì làm sao gọi là khoa học được. Chính sự không kết nối rộng rãi, minh bạch này còn tiếp tay cho cả sự đạo văn nữa.

- Theo ông, liệu quy chế đào tạo tiến sĩ mới này có thể xóa bỏ được nạn thuê viết bài báo quốc tế như một số ý kiến đưa ra hay không?

Khái niệm “thuê viết bài báo quốc tế” nghe thật khôi hài.

Quy chế đào tạo chặt chẽ thì làm sao có chuyện thuê viết bài báo quốc tế. Chẳng hạn một NCS đầu vào IELTS 6.5, được người hướng dẫn có bài báo ISI/Scopus nhận thì tôi chắc việc thuê viết sẽ rất khó xảy ra. Những người có học luôn biết tự trọng để bảo vệ phẩm giá của mình. Một người thầy hướng dẫn có đủ năng lực công bố bài báo quốc tế thì sẽ hướng dẫn học trò đi theo con đường đó.

Thanh Hùng (thực hiện)

PTT Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiêm túc tiếp thu ý kiến về chuẩn tiến sĩ mới

PTT Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiêm túc tiếp thu ý kiến về chuẩn tiến sĩ mới

Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ GD-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới.

Việt Nam 'lột xác' về công bố quốc tế trong KHXH

Việt Nam 'lột xác' về công bố quốc tế trong KHXH

Cách đây khoảng 10 năm, một nhà toán học đã từng có nhận xét đại ý “Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học xã hội”. Lời nhận xét có vẻ hơi nặng, nhưng cũng có ý đúng, nhất là khi xét ở khía cạnh công bố quốc tế.

Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'

Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'

"Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các tiến sĩ rởm”.

Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội nói về 'chuẩn' đào tạo tiến sĩ mới của Việt Nam

Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội nói về 'chuẩn' đào tạo tiến sĩ mới của Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nên khuyến khích người làm nghiên cứu, trong đó có tiến sĩ, công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước.