Trong kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Hà Giang năm 2021 được ban hành mới đây, UBND tỉnh đã xác định các mục tiêu đặt ra trong năm nay như: Cổng dịch vụ công, phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông của tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp 65% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Cùng với đó, phấn đấu 75% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 55% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trong toàn tỉnh, từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội.

Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang cũng đề ra những mục tiêu: 50% cán bộ, công chức, viên chức tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; hạ tầng băng rộng cáp quang phủ đến 50% hộ gia đình, 100% xã; 100% máy chủ, thiết bị hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được giám sát, đảm bảo an toàn thông tin, kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia do Bộ TT&TT vận hành...

{keywords}
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh và giám sát an toàn thông tin là một trong những nhiệm vụ được Hà Giang tập trung triển khai trong năm nay (Ảnh minh họa)

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, thời gian sắp tới, Hà Giang sẽ triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo đó, 7 nhóm nhiệm vụ gồm có: hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin và nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Về giải pháp, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp được Hà Giang xác định là một giải pháp quan trọng, cần được tập trung thực hiện.

Cụ thể, người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống chính trị chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số phải được gắn với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thống số nhằm tuyên truyền, phố biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội về chuyển đổi số. UBND các huyện, thành phố chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm việc chuyển đổi số.

Bên cạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp, 4 nhóm giải pháp khác cũng được Hà Giang tập trung triển khai trong năm nay là: phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực CNTT; và tăng cường hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang cũng dự kiến tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện 21 nhiệm vụ, dự án cụ thể trong năm 2021 là 50 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện ngoài ngân sách tỉnh, dự kiến còn huy động nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Thông tin về tình hình triển khai Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Sở TT&TT tỉnh Hà Giang cho biết, cuối năm ngoái, Hà Giang đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Cũng trong thời gian qua, Hà Giang đã chỉ đạo các cơ các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.

M.T

Bộ TT&TT: Chuyển đổi số chỉ thành công khi toàn dân tham gia

Bộ TT&TT: Chuyển đổi số chỉ thành công khi toàn dân tham gia

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định: Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia, nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng được phổ cập.