Giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm là 8.185 hộ, sửa nhà là 3.513 hộ, kinh phí là hơn 437 tỷ đồng. Có nhà ở kiên cố là động lực cho người dân vươn lên, là giải pháp giúp tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn 2024, lần đầu tiên gia đình anh Vừ Mí Sính, thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được đón năm mới trong ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp.
Gia đình anh Sính thuộc diện nghèo, từng phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, nắng nóng, mưa dột. Lương công nhân làm thuê không đủ để anh tích cóp xây nhà mới cho vợ con.
Năm ngoái, thôn Há Dấu Cò họp bàn, bình xét cho gia đình anh là hộ được hỗ trợ tiền xây nhà mới theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhận được số tiền hỗ trợ 44 triệu đồng, người đàn ông dân tộc H'Mông quyết tâm "dốc hầu bao" để có mái ấm kiên cố, rộng hơn 60m2 theo kiến trúc nhà truyền thống.
Có nhà mới, anh Sính vui mừng chia sẻ số tiền hỗ trợ của Nhà nước là động lực để gia đình cố gắng hoàn thành ngôi nhà mơ ước. Có nhà mới, anh yên tâm hơn khi đi làm công nhân ở xa, vợ con ở nhà cũng yên tâm lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Hà Giang là tỉnh miền núi, trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tính tới hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều chiếm 42,61% số hộ trên toàn tỉnh.
Quan tâm đến người dân nghèo từ đa chiều dịch vụ xã hội cơ bản, Hà Giang đặc biệt chăm lo cho người dân từ việc làm, đào tạo học hành, chăm sóc sức khoẻ đến nhà ở.
Là tỉnh miền núi, cuộc sống người dân khó khăn, nhu cầu xóa, sửa nhà tạm cho người dân rất lớn. Trong khi đó, Hà Giang là tỉnh vùng cao khó khăn về nội lực, vì thế nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, là giải pháp trọng tâm để hỗ trợ người dân làm nhà mới.
Thực hiện dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã xây dựng đề án xóa, sửa nhà tạm cho hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ đăng ký và được cộng đồng xét duyệt sẽ được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây mới, như nhà anh Sính trên đây. Các hộ cần sửa nhà được hỗ trợ 22 triệu đồng.
Năm 2023, tỉnh có 3.582 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây nhà mới; 1.416 hộ được hỗ trợ sửa nhà với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng, đạt hơn 92% kế hoạch. Toàn bộ nhà được hỗ trợ xây mới đều bảo đảm tiêu chí “cứng tường, cứng nền, bền mái”.
Ngoài ra, chương trình “Xóa nhà tạm cho hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở” với nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn toàn được triển khai từ tháng 7/2019, đã thực hiện được 6.700 ngôi nhà cho gia đình chính sách, cựu chiến binh, hộ nghèo.
Ngoài việc linh hoạt huy động các nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tại Hà Giang, để đảm bảo tiến độ, chất lượng cho người dân an cư, không ít địa phương phát huy vai trò trách nhiệm của cơ sở chính quyền, đoàn thể.
Tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, năm 2023 huyện giao kế hoạch xây nhà mới cho 72 hộ; sửa nhà cho 9 hộ, nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Để sớm xây dựng, sửa chữa có nhà kiên cố đúng kiến trúc truyền thống cho người dân, xã Cán Chu Phìn phân công nhiệm vụ cho cán bộ thường xuyên xuống thôn để đôn đốc.
Lãnh đạo thôn cũng động viên, nắm bắt tâm tư các hộ. Gia đình khó khăn sẽ được thôn huy động đoàn thanh niên, dân quân, công an viên giúp vận chuyển vật liệu, san mặt bằng, mở đường vào nhà. Kết quả, năm 2023, xã đã hoàn thành kế hoạch, giải ngân 100% vốn.
Năm 2024, Hà Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% (về còn hơn 38,2%). Riêng với chiều thiếu hụt về nhà ở, tỉnh sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ cho 4.184 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo (xây mới 3.004 hộ, sửa chữa 1.180 hộ).