Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) có 1.272 hộ nghèo người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 7,67%). Trong 2 năm 2022, 2023, huyện Đại Từ giảm 638 hộ nghèo đa chiều là người dân tộc thiểu số, tương ứng với 3,91%, bình quân giảm 1,95%/năm (vượt kế hoạch đề ra 1,3%/năm).
Giai đoạn 2024-2029, huyện Đại Từ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống dưới 6,5% theo tiêu chí mới; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Huyện luôn chú trọng triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo hướng tạo “đòn bẩy” giúp đồng bào dân tộc thiểu số chủ động tự lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là khu vực miền núi có những chuyển biến tích cực.
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo; các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... đã được giải quyết kịp thời.
Một trong những giải pháp để giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo là tăng cường hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện để người dân có tư liệu phát triển sản xuất. Hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đại Từ.
Đến cuối tháng 4, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt hơn 656 triệu đồng, với 17 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai thực hiện cho hơn 13.660 khách hàng sử dụng vay vốn.
Tính từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn vay đã giúp trên 46.200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại huyện Đại Từ có vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, trên 10.990 lượt hộ nghèo, gần 6.460 lượt hộ cận nghèo thoát nghèo.
Xã Đức Lương có trên 85% số dân là người dân tộc thiểu số. Hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo tại đây đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ bằng các tư liệu sản xuất phù hợp.
Hộ gia đình bà Đào Thị Lan, ở xóm Đồi Trinh, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay đau ốm. Năm 2022, bà được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà mới rộng rãi. Không những thế, gia đình bà còn được Nhà nước hỗ trợ 8 tạ phân vi sinh để bón cho 5 sào chè giúp có thêm thu nhập, ổn định sinh kế.
Theo thống kê, riêng năm 2023, xã Đức Lương có 119 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phân bón, máy móc phục vụ sản xuất… với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
Tại xã Cù Vân, gia đình bà Lý Thị Hồng, xóm 12, là một trong số những hộ dân được nhận bò giống theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để tạo sinh kế, tăng thu nhập. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa.
Không chỉ được hỗ trợ một con bò giống, quá trình thực hiện dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, nhà bà Hồng được cán bộ khuyến nông của xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò…
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã cũng thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho bò. Sau 4 tháng chăm sóc, con bò đang sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ chăn nuôi bò, gia đình bà Hồng mong muốn sẽ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Triển khai nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Đại Từ đang triển khai loạt các dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 8 xã; đơn cử như dự án hỗ trợ phân bón phát triển cây chè; hỗ trợ trâu, bò sinh sản.
Tổng cộng hơn 500 hộ tham gia, trong đó có 276 hộ nghèo; 188 hộ cận nghèo; 43 hộ mới thoát nghèo; 8 hộ làm kinh tế giỏi. Dự án được triển khai sẽ góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển sinh kế, đặc biệt là những hộ thiếu vốn sản xuất, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.