Với quyết tâm chuyển đổi số (CĐS) toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh chú trọng ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin nhằm phát huy tối đa thế mạnh, nguồn lực của hai bên, hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT - XH, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, thay đổi mô hình khởi nghiệp, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn, Hà Giang xác định CĐS là cơ hội để bứt phá, là đòn bẩy phát triển KT - XH. Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 80% cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử; phát triển hạ tầng mạng băng thông rộng phủ trên 80% hộ gia đình và 100% xã; 50% hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận có nhãn hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT); 200 doanh nghiệp (DN), HTX được hỗ trợ CĐS.
Một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa mục tiêu trên là ký kết thỏa thuận hợp tác CĐS với các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn là: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Tập đoàn FPT.
Nội dung hợp tác gồm: Hỗ trợ, tư vấn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS; xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; đào tạo nguồn nhân lực số; phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; tăng độ phủ sóng điện thoại, internet đến vùng sâu, vùng xa, xóa “vùng lõm” sóng; phát triển hạ tầng số, nền tảng số và thúc đẩy CĐS trên cả ba trụ cột; đề xuất giải pháp CĐS phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, y tế, giáo dục và các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, DN; hỗ trợ DN CĐS; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển TMĐT, kinh tế số.
Đoàn viên, thanh niên huyện Hoàng Su Phì hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Yên Hoa |
Ngay sau ký kết thỏa thuận hợp tác, các tập đoàn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương khảo sát, đề xuất nhiệm vụ CĐ, trong đó triển khai CSDL quốc gia về cán bộ, công chức; sổ tay Đảng viên điện tử; xây dựng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư; hệ thống camera giao thông trong Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC thành phố Hà Giang; phủ sóng di động tại 15 thôn trắng sóng và tối ưu vùng phủ sóng di động; triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe, quản lý bệnh viện thông minh, kết nối chẩn đoán, điều khiển từ xa với các bệnh viện tuyến T.Ư; nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; vận hành và điều khiển hệ thống giao ban trực tuyến 4 cấp, hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (Vnptioffice).
Cùng với đó, các tập đoàn hỗ trợ tỉnh triển khai mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thu phí, vé chợ các hộ kinh doanh, DN thông qua tài khoản ngân hàng; triển khai hóa đơn điện tử; chuẩn hóa thông tin thuê bao, hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng cài đặt tài khoản định danh và xác thực điện tử (VneID); tập huấn cho trên 117 nghìn HTX, hộ gia đình đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Hà Giang trên các nền tảng số; hỗ trợ DN, HTX ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất; triển khai phần mềm thi trắc nghiệm; xây dựng CSDL ngành Giáo dục; dự án Cổng thông tin bản đồ số du lịch tỉnh Hà Giang.
Với sự hợp tác toàn diện với các tập đoàn viễn thông, nhiệm vụ CĐS của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tỉnh duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước với quy mô 236 điểm, đáp ứng việc kết nối, tổ chức các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp. Toàn tỉnh có 2.830 trạm thu, phát sóng (BTS); các xã, phường, thị trấn có mạng Internet cáp quang tại khu vực trung tâm; tỷ lệ thôn được phủ sóng di động đạt 97,5%, có internet cáp quang đạt khoảng 50%. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ vận hành CSDL được đầu tư, nâng cấp; trục chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Có 16 hệ thống thông tin và 1.500 dữ liệu được chia sẻ trong nội bộ cơ quan trong tỉnh.
Các địa phương tích cực thực hiện số hóa hồ sơ hộ tịch; rà soát, chuẩn hóa thông tin người đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội, hộ nghèo; cập nhật dữ liệu 111.337 người lao động vào phần mềm lao động việc làm của tỉnh; đồng bộ, xác thực CSDL người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư đạt 91,2%.
Toàn tỉnh có 1.977 TTHC có hiệu lực được áp dụng thực hiện đơn giản hóa, 557 thủ tục rút ngắn 30% thời gian giải quyết; 1.837 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trước và đúng hạn đạt 99,6%; 100% lãnh đạo có thẩm quyền ký các cấp trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, có trên 17 nghìn giao dịch trên sàn TMĐT voso, sendo, shop VnExpress, postmark, giá trị giao dịch trên 3 tỷ đồng.
Có 85% trường học, cơ sở giáo dục thanh toán học phí trực tuyến; tỷ lệ người tra cứu BHYT qua thẻ CCCD thành công để khám, chữa bệnh đạt 88,4%. Có 141 DN, HTX tham gia CĐS mô hình kinh doanh, 4 DN CĐS mô hình quản trị; 1.651 DN, HTX, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 1.581 DN, HTX nộp thuế điện tử với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng đạt 55,5%; nhiều cuộc thi được tổ chức trực tuyến trên các nền tảng số.
Sự đồng hành của các Tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin góp phần quan trọng đưa CĐS của tỉnh đi vào thực chất; từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 18 đề ra, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Theo BIỆN LUÂN (Báo Hà Giang)