Thương mại điện tử kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong 2022

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vừa được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố sáng nay (12/5), trong khuôn khổ sự kiện Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2022.

{keywords}
Nhiều người dùng đang chuộng mua sắm trực tuyến. (Ảnh minh họa: Internet)

Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất trong khu vực với mức tăng trưởng 2 con số, nhưng theo đánh giá của VECOM, TMĐT không thể bứt tốc mạnh do ảnh hưởng của đại dịch.

Số liệu cho thấy, đà tăng trưởng của TMĐT đạt trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỷ USD. “Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo nhận định, động lực tăng trưởng của TMĐT đến từ người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Nhiều thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp TMĐT đã chuyển phần lớn hoạt động sang môi trường số để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, do tác động của đại dịch, khách hàng trở nên quen thuộc với hình thức mua sắm đa kênh và từ năm 2022, hình thức này sẽ trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo. Làn sóng thứ hai tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử trong năm 2022 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025.

Chưa thể thu hẹp khoảng cách TMĐT của các địa phương

Các chỉ số TMĐT của nhiều địa phương đều tăng cao, phản ánh mức tăng trưởng trong lĩnh vực này. Theo đó, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022 với 90,6 điểm, tăng gần 23 điểm so với con số 67,6 của năm trước. Hà Nội ở vị trí thứ 2 với 85,9 điểm và kém TP.HCM 4,7 điểm. Tuy nhiên, điểm số của địa phương này tăng tới 30,2 điểm so với năm trước đó.

TP.HCM vượt trội ở cá 3 chỉ số đánh giá gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT; Giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và Giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

{keywords}
Bảng xếp hạng Chỉ số TMĐT các địa phương. (Nguồn: Vecom)

Top 5 địa phương dẫn đầu về chỉ số TMĐT không thay đổi khi Đà Nẵng tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 36,6 điểm; theo sau là Bình Dương, Đồng Nai.

Chỉ số EBI của các địa phương năm nay đạt 20,4 điểm, phản ánh khoảng cách chỉ số giữa các địa phương còn rất lớn. Có tới 38 địa phương đạt điểm dưới trung bình. Các địa phương xếp cuối bảng như Tuyên Quang, Hòa Bình, KonTum… có số điểm cách xa với phần còn lại, cá biệt như Tuyên Quang chỉ đạt 9,2 điểm – cách biệt khoảng lớn với TP.HCM.

Trên thực tế, thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các tỉnh, thành phố vẫn luôn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển TMĐT thấp nhất khi đứng ở cuối bảng xếp hạng.

Xếp hạng EBI các năm qua cho thấy, khoảng cách TMĐT giữa Hà Nội, TP.HCM và các địa phương còn lại chưa có nhiều thay đổi đột phá, khi còn nhiều địa phương bỏ ngỏ khả năng khai thác những cơ hội do TMĐT mang lại. 

Theo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company công bố, kể từ khi đại dịch bùng nổ đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới. Trong đó, hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Các nghiên cứu và số liệu của các doanh nghiệp TMĐT, logistic cho thấy khu vực ngoài thành thị đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng với những người dùng mới. Dù khoảng cách trong phát triển TMĐT giữa 2 thành phố lớn và các địa phương những năm qua có nhiều thách thức, nhưng nhiều địa phương đã chuyển động tích cực và có thể thu hẹp dần khoảng cách.

Duy Vũ

Xử mạnh tay hành vi "né" thuế của các nền tảng xuyên biên giới

Xử mạnh tay hành vi "né" thuế của các nền tảng xuyên biên giới

Cơ quan thuế theo sát hoạt động, thu thập dữ liệu dòng tiền giao dịch của các tổ chức sở hữu, vận hành các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Youtube... và xử lý nghiêm hành vi gian lận thuế.