Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Giải trình bước đầu về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thảo luận tại tổ, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách huy động vốn để tạo nguồn lực cho Thủ đô. Bên cạnh đó cần quy định mức trần nợ vay của thành phố đồng thời cho phép Hà Nội phát hành trái phiếu quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo luật quy định dư nợ vay của Hà Nội không phụ thuộc vào hạn mức trần, tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng giao.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quy định này nhằm giúp thành phố có thể huy động được nguồn lực đầu tư từ vốn vay để tập trung phát triển các dự án quan trọng. Đặc biệt là trong thời gian tới, Hà Nội cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Nêu ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, ông rất tâm đắc với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Hà Nội, TP.HCM vay 30 tỷ USD để làm đường sắt đô thị.
Với cơ chế như vậy, ông Cường hy vọng Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp đường sắt trong nước mà không phải đi thuê, mua từng dự án đường sắt của nước ngoài như hiện nay.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đồng tình với việc tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư. Đặc biệt trong đó là việc giao thẩm quyền cho thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án trên 10.000 tỷ đồng. Đối với dự án đường sắt đô thị không bị giới hạn mức vốn.
“Đây là quy định rất cần thiết, trao quyền chủ động tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm.
Còn theo đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng), đường sắt đô thị chính là hướng để phát triển đô thị của TP Hà Nội trong tương lai. Phát triển đường sắt đô thị sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp của Thủ đô không bị thiệt hại hơn 1 tỷ đô do ùn tắc giao thông gây ra mỗi năm.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi, Bộ Tư pháp cho biết, TP Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông (5,6 triệu xe máy, 685.000 ô tô).
Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.
Một trong những giải pháp cho tình trạng trên được Chính phủ đưa ra là phát triển vận tải hành khách công cộng một cách đồng bộ. Trong đó có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km và 3 tuyến tàu điện một ray.
Để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đã vận hành khai thác (tuyến Cát Linh - Hà Đông). Bốn tuyến đã có cam kết về thu xếp vốn, các tuyến còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc giảm tắc đường sẽ tránh cho Hà Nội không bị thiệt hại khoảng 23.300 - 27.900 tỷ đồng, tương đương 1-1,2 tỷ USD/năm.