Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, tính đến hết tháng 5/2023, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 34.000 hồ sơ, tăng hơn 9.100 so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, riêng tháng 6/2023 ghi nhận hơn 10.000 hồ sơ. Con số này tăng mạnh so với các tháng khác những năm trước và cao hơn cả lúc đại dịch Covid-19.
Bà Liễu thông tin thêm, số người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân phổ thông làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, điện tử, dệt may. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước chủ yếu là du lịch, khách sạn, giao thông vận tải.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dù chưa ghi nhận doanh nghiệp cắt giảm hàng ngàn lao động như ở khu vực phía Nam, tuy nhiên, đã có hàng trăm công nhân điện tử cùng một công ty đến làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.
Phần lớn lao động sau nghỉ, mất việc đều muốn quay lại thị trường sớm hơn thay vì đi học nghề. Nhiều người nộp hồ sơ nhận trợ cấp 1 - 2 tuần rồi lại có đơn xin hủy vì đã tìm được việc làm mới.
Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), hiện trong tháng 4 với 8.340 người tham gia cho kết quả gần 22% lao động sẽ dựa vào trợ cấp thất nghiệp nếu không có việc. Khoản này là nguồn lực tài chính quan trọng thứ tư với lao động khi không có việc làm sau tiết kiệm (41%), dựa vào thu nhập của người thân (33%) và vay nợ (22%).
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng.
Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.