Sáng 6/6, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Bình Dương mổ cứu sống hai mẹ con chị H.T.D.
Theo đó, chị H.T.D (33 tuổi) sống ở Bình Dương, mang thai lần thứ 4. Chị khám thai ở cơ sở y tế gần nhà và bệnh viện tuyến tỉnh nhưng không ghi nhận bất thường.
Chị từng sinh mổ vào năm 2005 và 2018, sinh thường vào năm 2009. Lần này, chị có thai ngoài kế hoạch nhưng quyết định dưỡng thai và sinh con.
Sáng 2/6, chị cảm thấy bụng khó chịu nên đến khám và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng thai ngôi mông 39 tuần 2 ngày, trên vết mổ cũ 2 lần.
Sản phụ được siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm tiền phẫu và mổ lấy thai trong chiều cùng ngày. Tuy nhiên, khi mở bụng sản phụ, bác sĩ thấy mặt trước cơ tử cung đến bàng quang tăng sinh rất nhiều mạch máu, nghi ngờ có tình trạng nhau cài răng lược thể percreta.
Ngay lập tức, bác sĩ ở Bình Dương hội chẩn với bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ liên tục để tìm phương án tốt nhất.
Phương án ban đầu là đưa ê-kíp phẫu thuật từ Bệnh viện Từ Dũ sang Bình Dương để hỗ trợ. Tuy nhiên, đây là trường hợp khó, có nhiều nguy cơ nên e ngại về phương tiện, trang thiết bị, ê-kíp gây mê hồi sức - nhi sơ sinh của địa phương chưa đủ lực để cứu sống mẹ con sản phụ.
Cuối cùng, các bác sĩ "cân não" quyết định đóng bụng sản phụ, chuyển cả 2 mẹ con lên TP.HCM, đến Bệnh viện Từ Dũ an toàn lúc 18h55.
Tại đây, các bác sĩ khám và nhận định tổng trạng sức khỏe người mẹ tốt, mạch huyết áp ổn định, tim thai bé trong giới hạn bình thường. Ê-kíp chuẩn bị truyền máu trước và trong ca mổ do tiên lượng nguy cơ mất máu nhiều.
Ca phẫu thuật lần 2 tiến hành lúc 20h cùng ngày. Khi vào bụng thám sát, phẫu thuật viên nhận thấy mạc nối dính vào thành bụng, mặt trước đoạn thân và đoạn dưới tử cung có mạch máu tăng sinh nhiều, bàng quang kéo cao.
Các bác sĩ đã tỉ mỉ bóc tách để hạn chế mất máu, tránh làm tổn thương bàng quang. Các gai nhau xâm lấn đến thanh mạc bàng quang, 2 vách chậu và đến cổ tử cung. Toàn bộ đoạn dưới tử cung là những mạch máu tăng sinh không còn lớp cơ nên bác sĩ quyết định mổ lấy thai và cắt hoàn toàn tử cung.
Sau gần 4 giờ bóc tách, các bác sĩ bắt ra một bé trai nặng 3,2kg và đưa về hồi sức. Sản phụ được cắt tử cung, khâu cầm máu, đặt dẫn lưu. Ca mổ kết thúc sau gần 7 giờ can thiệp, sản phụ mất 1.400ml máu và được truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng 350ml.
Sau 3 ngày hậu phẫu, chị D. hiện khỏe, không sốt, vết mổ khô, tiêu tiểu và ăn uống như bình thường.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nhiều lần, có tiền căn mổ lấy thai, là thai kỳ nguy cơ cao nên cần lưu ý khám đầy đủ ở những cơ sở y tế chuyên môn cao. Từ đó, có thể phát hiện các bất thường đi kèm để chuẩn bị các phương pháp điều trị phù hợp, an toàn cho mẹ và thai nhi.