Ngày 3/4, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24 đến 31/3), thành phố ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu (tăng gần gấp đôi so với tuần trước).
Một số chùm ca bệnh thủy đậu tại các trường mầm non, tiểu học cũng xuất hiện gồm: Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 ca; Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì), Trường Mầm non Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, có 12 ca; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có 9 ca...
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu (cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Cơ quan CDC Hà Nội dự báo, thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng.
Tại một số tỉnh miền Bắc như Lào Cai hay Bắc Kạn, ca bệnh thủy đậu cũng có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê từ CDC Lào Cai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 ca mắc thủy đậu. Riêng phường Kim Tân, TP Lào Cai, ghi nhận gần 50 ca mắc.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Bắc Kạn, ca mắc thuỷ đậu đầu tiên được ghi nhận vào ngày 9/3, đến ngày 24/3, số bệnh nhân đã tăng lên 15 trường hợp. Tính đến ngày 29/3, con số này là 21 ca.
Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra, lây chủ yếu qua không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói to hoặc chảy mũi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương của người bệnh.
Loại bệnh truyền nhiễm khác đang gia tăng ở Hà Nội là tay chân miệng. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 63 ca mắc, tăng gần gấp đôi với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm nay, thành phố đã ghi nhận 248 ca mắc (cùng kỳ năm ngoái có 2 ca).
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non, trong đó 1 ổ dịch tại huyện Thạch Thất với 10 ca bệnh; 2 ổ dịch tại quận Hoàng Mai (mỗi ổ 2 ca); 1 ổ dịch tại huyện Đan Phượng với 2 ca.
Thuốc xanh, đỏ có tác dụng với nốt thủy đậu hay không?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết người dân thường tự mua các thuốc Castellani (màu đỏ) hoặc xanh Methylene (có màu xanh) về bôi lên các nốt thủy đậu.
Castellani bao gồm các thành phần: Basic fuchsin (có đặc tính diệt khuẩn và diệt nấm); Ethyl alcohol (làm lạnh); Acetone (làm mát và làm sạch); Resorcinol (chống ngứa, bạt sừng, chống nấm).
Castellani được chỉ định ưu tiên với nấm bẹn và viêm kẽ do Candida, đặc biệt trên đối tượng sử dụng corticoid lâu dài. Tuy nhiên, chỉ định này chủ yếu bôi ở diện nhỏ. Xanh Methylene chỉ có một thành phần duy nhất, tương đối an toàn.
Theo bác sĩ Thùy, chưa có bằng chứng rõ ràng về tác dụng diệt khuẩn của các thuốc này trên da. "Castellani khi sử dụng diện rộng có thể hấp thu toàn thân và gây độc, nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ", vị bác sĩ cho biết.
Vì vậy, chuyên gia khuyên mọi người chỉ cần dùng các thuốc bôi mỡ hoặc cream kháng sinh tại chỗ nếu có bội nhiễm. Khi bội nhiễm toàn thân, cần dùng kháng sinh đường uống.
Với thủy đậu, bệnh nhân cần tắm, vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng trên da, giảm ngứa; Hạn chế gãi, chà xát để tránh lây lan và để lại sẹo; bôi thuốc kháng sinh ngày 2 lần để tránh bội nhiễm.
Khi tổn thương lên vẩy, tránh cậy vảy sớm dễ để lại sẹo lõm, có thể bôi thêm dưỡng ẩm, các kem làm lành sẹo để hồi phục nhanh hơn.