Chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Xu Qiongyue từng gặp một cô gái 20 tuổi bị ung thư đại trực tràng. Cùng lúc, mẹ của cô bị ung thư biểu mô tuyến phổi. Bởi vậy, nữ bệnh nhân cho rằng: "Tôi có thể đã bị ung thư do di truyền".
Tuy nhiên, chuyên gia Xu lại có nhận định khác. Sau khi hỏi về các thói quen sinh hoạt của 2 người bệnh, vị chuyên gia được biết gia đình họ thường ăn thịt nướng 3 lần mỗi tuần, dùng lốp xe kê thành bếp nướng. Thậm chí, họ còn ăn cả những miếng thịt cháy xém vì cảm thấy thơm ngon hơn.
Theo Aboluowang, chuyên gia Xu có căn cứ cho rằng hai mẹ con đã bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng do hít và ăn phải chất gây ung thư khi nướng thịt trong thời gian dài. Ngoài ra, khí bốc lên từ lốp xe tiếp xúc với lửa cũng gây hại cho sức khỏe.
Bác sĩ dinh dưỡng Liu Boren cho hay ung thư đang ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi. Ông tin rằng thay đổi lối sống và chế độ ăn uống sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh. Ông hy vọng mọi người sẽ uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, dùng ít thực phẩm chế biến sẵn, tập thể dục vừa phải, chú ý tránh xa các nguồn độc tố, ngủ ngon và giải tỏa căng thẳng. Đây đều là những cách để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư và chống lão hóa.
Theo Time, một số nghiên cứu được công bố trong 20 năm qua đưa ra bằng chứng cho thấy việc ăn thịt cháy, hun khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy, đại trực tràng và tuyến tiền liệt.
Một số loại hóa chất hình thành trong quá trình nướng thịt gây hại cho cơ thể. Trong đó có PAH sản sinh khi chất béo và nước từ thịt nướng nhỏ giọt xuống, làm bùng lửa và khói. Khói chứa PAH sau đó bám vào bề mặt của thịt. Ngoài ra, còn có HAA xuất hiện trong thịt đỏ nấu chín, nồng độ đạt đỉnh trong các loại thịt bị cháy khi nướng bằng lửa.
Dù vậy, theo Robert Turesky, chuyên gia về ung thư tại Đại học Minnesota (Mỹ), cấu tạo gene của một người có thể ảnh hưởng đến cách phản ứng với các hóa chất. "Nguy cơ mắc ung thư đối với những người ăn cùng loại thịt nấu chín kỹ có thể khác biệt đáng kể", ông Turesky nói.
“Rõ ràng, nguy cơ mắc ung thư từ ăn thịt cháy thấp hơn nhiều so với người hút 1 bao thuốc lá mỗi ngày hoặc uống rượu vô độ. Nhưng một số người ăn thịt hằng ngày nên hấp thụ lượng hóa chất độc hại thường xuyên, mức độ phơi nhiễm có thể tăng lên theo thời gian”, vị chuyên gia bổ sung.
Bởi vậy, ông Turesky khuyên mọi người nên ăn thịt ở mức độ vừa phải, cố gắng không nấu quá chín hoặc làm cháy thịt.